Sợi Thế Kỷ: Quản trị rủi ro vì mục tiêu phát triển bền vững
Với nền tảng vững chắc về kỹ thuật báo cáo, mức độ dồi dào về thông tin sẵn có cũng như các đảm bảo độc lập đang được duy trì, Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ (mã STK) luôn duy trì được một vị thế tốt trong các cuộc bình chọn báo cáo phát triển bền vững.
Liên tục nhiều năm qua, Sợi Thế Kỷ luôn thể hiện sự kiên định với mục tiêu phát triển bền vững và đạt được thành quả xứng đáng. Điển hình trong bối cảnh còn nhiều thách thức đối với ngành, Sợi Thế Kỷ vẫn đang cho thấy sự thích ứng linh hoạt, sức chống chọi tốt, ghi nhận các điểm sáng như việc thu hút các đơn hàng sợi tái chế có giá trị gia tăng cao với khách hàng Nhật Bản, tiếp tục mở rộng thêm được tệp khách hàng khi có thêm 12 khách hàng mới trong 9 tháng năm 2023.
Những nỗ lực thực tế này đều được đội ngũ Sợi Thế Kỷ “ghi lại”, chuyển tải một cách xuất sắc thông qua báo cáo thường niên, báo cáo phát triển bền vững, qua đó cung cấp cho các bên liên quan, công chúng đầu tư một bức tranh đầy đủ thông tin. Đó cũng là lý do chính giúp báo cáo thường niên của Công ty lọt Top 20 báo cáo thường niên 2023 tốt nhất nhóm phi tài chính; liên tục nằm trong Top 10 báo cáo phát triển bền vững tốt nhất – trong khuôn khổ Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết, và năm nay, báo cáo phát triển bền vững của Sợi Thế Kỷ tiếp tục nằm trong Top 5, đạt hạng mục giải Báo cáo có tính tin đầy đủ nhất.
Với chủ đề “Quản trị rủi ro vì mục tiêu phát triển bền vững”, Sợi Thế Kỷ tiếp tục thể hiện một cách nhất quán các rủi ro về môi trường và xã hội cũng như các cách thức mà Công ty thực hiện để quản lý các rủi ro này. Theo đánh giá của Hội đồng bình chọn, với việc sử dụng tiêu chuẩn báo cáo GRI một cách “chắc tay” tương tự như các năm trước, Sợi Thế Kỷ đã thể hiện một cách có hệ thống các sáng kiến, nỗ lực trong chặng đường phát triển bền vững của mình.
Ngoài ra, Sợi Thế Kỷ đã cung cấp rất nhiều đảm bảo cho các chỉ số báo cáo về môi trường và xã hội. Việc đảm bảo được thực hiện từ nhiều nguồn khác nhau và tạo được mức độ tin cậy tương đối tốt.
Một điểm mới trong năm nay của Sợi Thế Kỷ chính là việc tham gia vào dự án công bố phát thải các-bon của mình trong khuôn khổ dự án CDP (Carbon Disclosure Project). Sợi Thế Kỷ là một trong số rất ít doanh nghiệp niêm yết công bố thông tin theo khung CDP. Một điểm mạnh khác của Sợi Thế Kỷ là việc công bố các chỉ tiêu ESG, đặc biệt là các chỉ tiêu về môi trường một cách đầy đủ và lượng hóa rất cao.
Con số đáng chú ý, theo USFIA Benchmarking Study 2023, các thương hiệu thời trang đã tăng tỷ trọng mua hàng từ Việt Nam từ mức 96% (năm 2022) lên 100% (năm 2023). Kết quả này đến từ nhu cầu phân tán rủi ro về nguồn cung nguyên liệu đầu vào, nên các công ty thời trang Mỹ có xu hướng dịch chuyển và tìm kiếm nguồn cung từ nhiều quốc gia khác, ngoài Trung Quốc.
Các thương hiệu này, hầu hết đều có các cam kết và đã thực hiện chiến dịch truyền thông mạnh mẽ hơn về trách nhiệm của họ hướng đến môi trường, nhân quyền, xã hội. Bởi vậy, những doanh nghiệp Việt Nam, đáp ứng tốt các tiêu chuẩn ESG, như Sợi Thế Kỷ, sẽ có cơ hội lớn để trở thành đối tác cung ứng chiến lược cho thương hiệu này, qua đó, vươn tầm phát triển và hội nhập tốt ngay khi điều kiện thị trường chín muồi.
Theo lộ trình của Sợi Thế Kỷ, Công ty vẫn tiếp tục nghiên cứu và cho ra đời các sản phẩm đa dạng, thân thiện môi trường, chất lượng cao, sợi có thêm các tính năng đặc biệt tạo giá trị gia tăng cho người tiêu dùng (như sợi chống cháy, co dãn cao, hút ẩm, chống tia UV…); tiếp tục chinh phục để mở rộng những thị trường mới ở châu Âu, Mỹ, Mexico (với hoạt động xuất khẩu trực tiếp).
Bên cạnh đó, Công ty cũng đẩy mạnh việc bán hàng theo hình thức xuất khẩu tại chỗ cho các khách hàng làm vải phục vụ hàng may mặc xuất khẩu sang Mỹ, Canada, châu Âu, Nhật Bản nhằm đón các đơn hàng dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam. Bên cạnh đó, Công ty cũng có kế hoạch tăng tỷ trọng điện tái tạo trong tổng nguồn điện cung ứng nhằm đáp ứng mục tiêu cắt giảm khí nhà kính và từng bước đưa ra cam kết cắt giảm khí nhà kính theo sáng kiến SBTi.
Đối với dự án Unitex đang được triển khai đúng tiến độ để hoàn tất khâu nhập khẩu máy móc vào quý I/2024 và hoàn tất xây dựng vào cuối quý. Dự kiến bắt đầu đưa vào hoạt động nhà máy Unitex giai đoạn 1 (36.000 tấn/năm) vào hoạt động từ quý II/2024. Đây là dự án được nhiều chuyên gia phân tích kỳ vọng, khi đi vào vận hành giúp Sợi Thế Kỷ nâng tổng công suất lên 96.000 tấn/năm nhằm đón đầu nhu cầu tăng trưởng cho sợi tái chế và sợi nguyên sinh, tại cả thị trường xuất khẩu và nội địa. Dự kiến, khi nhà máy Unitex được hoàn thiện vào năm 2025, Sợi Thế Kỷ sẽ trở thành nhà sản xuất sợi lớn thứ hai trên cả nước.
Đây sẽ là tiền đề cho Sợi Thế Kỷ đón đầu xu hướng thời trang xanh khi các nhãn hàng lớn đều cam kết hành động chống biến đổi khí hậu và sử dụng sợi tái chế đạt tỷ lệ 50 – 100% đến năm 2025 và dự trữ nguồn lực chuẩn bị cho thời điểm thị trường phục hồi.
Sợi Thế Kỷ được VIOD vinh danh là Hội Đồng Quản Trị của Năm
Ngày 23/11/2023, tại Diễn đàn thường niên về Quản Trị Công ty lần thứ 6 – năm 2023 (“AF6”), Hội Đồng Quản Trị của Sợi Thế Kỷ đã được Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (“VIOD”) vinh danh là “Hội Đồng Quản Trị của Năm”.
Đây là lần đầu tiên VIOD trao danh hiệu này cho các Hội Đồng Quản Trị của các công ty niêm yết tại Việt Nam. Cuộc bình chọn trải qua 2 vòng đánh giá sơ khảo và chung khảo trên cơ sở các tiêu chí đánh giá bao gồm Hiệu quả HĐQT (Board Performance), Quản trị ESG/Quản trị vai trò Các bên hữu quan (ESG score), Chất lượng Quản trị công ty tổng thể (CG score). Hội đồng chung khảo gồm các chuyên gia và đại diện đến từ cơ quan quản lý – Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, cơ quan ban hành luật, Công ty kiểm toán Deloitte, cơ quan truyền thông và VIOD.
Theo VIOD, vượt qua hơn 500 công ty niêm yết khác, HĐQT của 5 công ty gồm Vinamilk, FPT, PNJ, Thành Thành Công và Sợi Thế Kỷ được vinh danh nhờ năng lực lãnh đạo với tầm nhìn xa, văn hóa quản trị công ty, tính chuyên nghiệp, hiệu quả của Hội đồng Quản trị và chất lượng Quản trị E&S.
Giải thưởng này là sự ghi nhận những nỗ lực của HĐQT trong việc xây dựng, thực thi chiến lược kinh doanh bền vững cũng như đảm bảo sự minh bạch, công bằng trong quản trị công ty, bảo vệ lợi ích cổ đông và tạo giá trị cho các bên hữu quan. Đây là động lực để HĐQT công ty tiếp tục hoàn thiện công tác quản trị và chiến lược kinh doanh trong những năm tới.