(ĐTCK) Năm 2019, CTCP Sợi Thế Kỷ (STK) đặt kế hoạch tổng doanh thu 2.602 tỷ đồng, tăng 8% và lợi nhuận sau thuế 199,5 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2018. Đạt được kế hoạch này, STK sẽ có mức lợi nhuận cao nhất trong 10 năm và gấp 22 lần năm 2008.

Tiếp tục gia tăng tỷ trọng sợi tái chế

Xu hướng dịch chuyển đơn hàng sang Việt Nam để tận dụng ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do, căng thẳng thương mại Mỹ – Trung, ngành dệt may cũng như ngành sợi của Việt Nam đang có mức tăng trưởng tốt là các yếu tố giúp gia tăng nhu cầu đối với đơn hàng sợi nguyên liệu. Bên cạnh đó, nhu cầu sợi polyester Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu chính như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản vẫn tích cực.

Về phía nội tại doanh nghiệp, STK tiếp tục hướng đến sản phẩm có hàm lượng kỹ thuật cao, nâng cao chất lượng sản phẩm để gia tăng hiệu quả sản xuất. Đặc biệt, nhu cầu đơn hàng về sợi tái chế tốt hơn do xu hướng phát triển bền vững từ các thương hiệu thời trang quốc tế là bàn đạp giúp STK mở rộng thị phần sản phẩm sợi này và cải thiện biên lợi nhuận gộp. Số lượng khách hàng sử dụng sợi tái chế năm 2018 của STK đã tăng lên 79, tăng mạnh so với con số 10 khách hàng trong năm 2016.

Để bắt kịp xu hướng này, STK đặt kế hoạch tiêu thụ mặt hàng sợi tái chế trong năm 2019 lên gần 27% doanh thu thuần, cao hơn nhiều so với tỷ trọng 16% trong năm 2018. Mục tiêu đến năm 2020, tỷ trọng sản phẩm sợi tái chế sẽ chiếm 30% tổng doanh thu, nhưng nhiều khả năng, STK sẽ sớm điều chỉnh tăng tỷ trọng mục tiêu, do nhu cầu sản phẩm đang rất tốt (doanh thu quý I/2019 ước tăng gấp đôi quý I/2018).

Được biết, biên lợi nhuận sợi tái chế cao hơn biên lợi nhuận của sợi thường. Với việc gia tăng tỷ trọng đóng góp của sợi tái chế, kỳ vọng biên lợi nhuận gộp chung của STK trong năm 2019 sẽ tăng. Hiện Công ty đang đầu tư máy móc, thiết bị để tái chế sợi phế, làm tiền đề cho việc sản xuất nguyên liệu đầu vào cho mảng sản xuất sợi tái chế.

Ngoài ra, STK lên kế hoạch chủ động chiếm lĩnh thị phần trong nước và quốc tế. Trong năm 2018, Công ty đã phát triển thành công thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản. Năm 2019 – 2020, STK đặt mục tiêu đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa (tỷ trọng mục tiêu 67%, bao gồm cả xuất khẩu gián tiếp), đồng thời phát triển thị trường mới như Mỹ, Mexico, Indonesia… nhằm tận dụng lợi thế của Việt Nam có được từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung và hiệp định thương mại tự do. Theo đó, STK tự tin đạt và vượt kế hoạch kinh doanh đã đề ra.

Giai đoạn 2019 – 2020, chỉ đầu tư thêm dự án sợi màu, chưa cần mở rộng công suất

Ông Đặng Triệu Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị STK cho biết, dự kiến trong 3 – 5 năm nữa, hơn phân nửa công suất hiện nay của STK sẽ không sản xuất mặt hàng sợi bình thường, thay vào đó là các sợi có tính năng đặc biệt, có giá trị gia tăng cao như sợi tái chế, sợi màu tái chế, sợi chập… Tuy nhiên, giai đoạn 2019 – 2020, Công ty chưa cần mở rộng công suất.

Trong năm 2019, STK sẽ triển khai dự án sợi màu để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng xanh, không thải chất độc hại ra môi trường. Vốn đầu tư dự kiến không đáng kể, khoảng 200.000 – 300.000 USD cho sợi màu, với công suất 4.000 tấn/năm. Để sản xuất được sợi màu, Công ty chỉ cần trang bị thêm thiết bị trộn màu cho các dây chuyền sản xuất đã có sẵn. Thời gian đầu, STK sẽ dùng 1 – 2 dây chuyền gắn thiết bị phụ trợ để chạy sợi màu, khi nhu cầu tăng thêm, Công ty sẽ bổ sung thiết bị phụ trợ cho các dây chuyền tiếp theo.

Mục tiêu xa hơn của STK là trở thành nhà máy sợi thông minh đầu tiên ở Việt Nam bằng việc sử dụng trí tuệ nhân tạo, tự động hóa sản xuất, hạn chế tới mức thấp nhất sản phẩm lỗi.

Hiện nay, Nhà máy Trảng Bàng 5 đã đi vào hoạt động, chạy 100% công suất đối với sợi DTY. Còn dây chuyền tái chế sợi phế của STK chạy khoảng 50% công suất, nhưng cũng đã có lãi, vì chi phí không đáng kể. Ông Hòa cho hay, mục tiêu trước mắt của dây chuyền tái chế sợi phế là tái sử dụng sợi phế của STK để sản xuất ra hạt nhựa, giúp hạ giá vốn thấp hơn 40% so với giá nguyên liệu bình thường. Về dài hạn, khi tỷ trọng sợi tái chế trong tổng doanh thu tăng lên, STK có thể hợp tác với Unifi để tự sản xuất hạt nhựa tái sinh ngay tại Việt Nam.

Dự phóng đến năm 2020, doanh thu của STK đạt 2.912 tỷ đồng, lãi sau thuế 223 tỷ đồng. Theo bà Nguyễn Phương Chi, Giám đốc chiến lược STK, kết quả dự phóng trên đang dựa toàn bộ vào khả năng tăng tỷ trọng sợi tái chế trong tổng doanh thu, chưa bao gồm thu nhập từ dự án sợi màu hay việc tăng công suất nhờ liên minh sợi – dệt – may đang trong kế hoạch thành lập.

Ngoài ra, STK đang nghiên cứu và phát triển thêm nhiều sản phảm khác như sợi co giãn, sợi hút ẩm dễ giặt rửa vết bẩn, sợi có độ nhuyễn cao để tối đa hóa giá bán…

Ông Hòa chia sẻ, Công ty đang hợp tác với đối tác Nhật Bản làm sợi cao cấp với giá bán lên tới 14,5 USD/kg, cao hơn nhiều so với mức giá hiện nay, nhưng số lượng sẽ không quá nhiều. Bởi lẽ, sản phẩm này đang cung cấp riêng cho đối tác Nhật Bản. Dự kiến, đơn hàng bắt đầu thực hiện từ tháng 5/2019, trung bình khoảng 500 – 1.000 tấn/năm.

Hướng tới lợi thế cạnh tranh, không chỉ quy mô mà còn là giá thành

Trước tiềm năng của thị trường đối với các sản phẩm sợi đặc biệt, ông Hòa cho biết, các nhà máy hiện nay của STK đều phù hợp để làm sợi có giá trị gia tăng cao. Với mục tiêu vừa nắm bắt nhu cầu sợi đặc biệt, vừa đáp ứng nhu cầu sợi bình thường của khách hàng hiện hữu, trong tương lai, Công ty sẽ đầu tư phát triển thêm một nhà máy, mở rộng công suất.

Nhà máy này không chỉ đáp ứng nhu cầu của khách hàng, mà mục tiêu còn là giảm giá thành sản phẩm, nhằm tạo thêm lợi thế cạnh tranh cho Công ty. Theo kế hoạch, từ năm 2022, công suất của STK sẽ tăng gần 3 lần và giá thành giảm mạnh, đây sẽ là lợi thế để Công ty giành thêm thị phần.

Về khả năng có thêm đối thủ xây dựng nhà máy ở Việt Nam, ông Hòa cho hay, với chất lượng sản phẩm và giá thành hiện nay, STK có thể cung cấp cho cả đối thủ trong ngành. Chẳng hạn, mới đây, có doanh nghiệp FDI đầu tư một nhà máy lớn ở Bình Dương, vừa là nhà cung ứng, vừa là đối thủ cạnh tranh, nhưng do họ làm cả sợi, vải… nên vẫn cần hợp tác với một đối tác bên ngoài (là STK), vì buộc phải duy trì tối thiểu 2 nhà cung ứng nhằm đảm bảo ổn định nguồn cung. Hay một công ty con sản xuất vải của Tập đoàn Formosa vẫn mua sợi từ STK, mặc dù trong Tập đoàn có công ty sợi.

Các đối thủ khác, nhất là doanh nghiệp Đài Loan, mặc dù họ rất có lợi thế ở Đài Loan, nhưng khi đầu tư vào Việt Nam thì khác. Vì nhà máy mới đầu tư sẽ phải chịu chi phí khấu hao nên chưa chắc có được lợi thế hơn STK. Các nhà máy mà STK đầu tư từ những năm 2011 đã hết khấu hao, nhưng còn sản xuất tốt, nợ vay cũng đã trả đáng kể, giúp Công ty giảm được chi phí lãi vay, đây chính là lợi thế cạnh tranh lớn của STK.

Chưa kể, cần tới 2 – 3 năm để hoàn thành việc xây dựng nhà xưởng và lắp đặt máy móc, đồng nghĩa các đối thủ mới cần thời gian tương ứng mới có thể bước chân vào ngành. Khả năng các đối thủ nhảy vào mảng thị trường tiềm năng là sợi tái chế không dễ, vì rào cản kỹ thuật như yêu cầu có được chứng nhận sản xuất sợi tái chế (GRS), cũng như những khó khăn để có được nguồn cung nguyên liệu của sợi tái chế.

Do vậy, câu chuyện cạnh tranh luôn luôn có, nhưng trong phân khúc mà STK đang làm không bị ảnh hưởng nhiều.

Theo quan điểm của ông Hòa, khi quy mô mở rộng, không chỉ vài chục phần trăm, mà là hàng trăm phần trăm, thì doanh nghiệp nhất định phải tính đến hiệu quả và có được lợi thế về giá thành.

“Có nhiều con đường để đi nhanh hơn, nhưng STK vẫn phải từ từ, chắc chắn. Thị trường tích cực hay không tích cực, mà chất lượng sản phẩm tốt hơn, tiết kiệm được chi phí sản xuất hơn, thì lúc nào cũng thắng. Dù thị trường có đi xuống đi chăng nữa, thì nhu cầu tiêu dùng cho ngành này vẫn còn 70%. Trường hợp cần, Công ty vẫn đủ sức giảm giá để cạnh tranh. Và khi hồi phục, nhiều doanh nghiệp không trụ lại được, trong khi giá thành của STK thấp hơn sẽ là cơ hội lớn cho Công ty. Đây là mục tiêu mà Công ty hướng đến, mở rộng công suất không chỉ gia tăng quy mô sản xuất, mà còn là giảm được giá thành sản xuất. Khi đó, doanh nghiệp sẽ không còn phụ thuộc vào thị trường, mà phụ thuộc nội tại của doanh nghiệp có quản trị ưu việt, có công nghệ tốt, cũng như am hiểu ngành”, Chủ tịch Hội đồng quản trị STK chia sẻ.

Phan Hằng