CEO Sợi Thế Kỷ: Phát Triển Chuỗi Cung Ứng Sợi – Vải – May Mặc Nội Địa Để Dệt May Vươn Xa
Khi mới thành lập, tỷ trọng hàng xuất khẩu của Sợi Thế Kỷ không cao, nhưng con số này dần tăng qua các năm, đến giai đoạn 2014-2015 từng chiếm khoảng 70%.Ông Đặng Triệu Hòa, CEO của Sợi Thế Kỷ, cho rằng guồn cung vải nội địa sẽ tăng lên để đáp ứng nhu cầu khi kim ngạch xuất khẩu tăng.Tăng giá phụ liệu, dịch vụ vận chuyển nội địa làm tăng chi phí đầu vào và đến một ngưỡng công ty sẽ cần tăng giá bán.
Năm 2021, CTCP Sợi Thế Kỷ (HOSE: STK) ghi nhận doanh thu đạt 2.042 tỷ đồng, tăng 16%. Lợi nhuận sau thuế 278 tỷ đồng, tăng 93%. Doanh thu thị trường nội địa chiếm hơn 60% và xuất khẩu gần 40% với các thị trường chủ yếu là Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc. Năm nay, doanh nghiệp này đặt mục tiêu doanh thu là 2.606 tỷ đồng, tăng 28%; lợi nhuận sau thuế 300 tỷ đồng, tăng 8%.
Ông Đặng Triệu Hòa, CEO Sợi Thế Kỷ, chia sẻ với Người Đồng Hành về con đường kinh doanh, những tác động của tình hình thế giới và bước đi mà công ty sẽ thực hiện để đạt được mục tiêu đề ra.
Bước chuyển từ nhân viên kinh doanh sợi sang khởi nghiệp sản xuất, xuất khẩu
Từng làm kỹ thuật, sale trước khi thành lập doanh nghiệp sợi. Cơ duyên nào đưa ông đến với quyết định thành lập Sợi Thế Kỷ?
Vào khoảng năm 2000, khi tôi đang kinh doanh thương mại mặt hàng sợi polyester nhập khẩu thì được một người bạn giới thiệu cơ hội mua lại máy móc cũ của một nhà máy sản xuất sợi ở Đài loan. Người bán lúc đó đang có kế hoạch thanh lý máy móc để chuyển đất nhà máy cho Đài Loan xây đường cao tốc và nhận tiền đền bù giá cao.
Do trước đó tôi cũng từng suy nghĩ là nếu chỉ làm thương mại thì khả năng cạnh tranh sẽ dần giảm sút. Nếu có năng lực sản xuất thì mới có thế mạnh cạnh tranh, cung ứng các sản phẩm có giá trị gia tăng hơn và xây dựng được thương hiệu của riêng mình. Tôi cũng đắn đo khi đó vì chưa bao giờ làm sản xuất cả nên có đặt điều kiện với bên bán là họ phải hỗ trợ kỹ thuật trong thời gian đầu và họ đồng ý. Và thế là Sợi Thế kỷ ra đời vào tháng 6/2000.
|
Ông Đặng Triệu Hòa, CEO Sợi Thế Kỷ. Ảnh: Sợi Thế kỷ |
Ban đầu, thị trường mục tiêu của Sợi Thế Kỷ là gì?
Ngay từ khi mới thành lập, chúng tôi đã nhắm tới làm hàng chất lượng cao vì nhà máy công suất nhỏ khó có thể cạnh tranh được với các nhà máy có công suất lớn nếu làm mặt hàng đại trà. Trong khi đó, các nhà máy công suất lớn thường khó làm các đơn hàng quy mô nhỏ với yêu cầu chất lượng cao do phải tối ưu hóa công suất. Thị trường trong nước giai đoạn đó cũng chưa có nhiều các doanh nghiệp dệt nhuộm có vốn đầu tư nước ngoài và nhu cầu sản phẩm chất lượng cao cũng chưa nhiều.
Vì thế, để phù hợp với chiến lược sản phẩm ngách thì thị trường mục tiêu lúc đó của Sợi Thế Kỷ là thị trường xuất khẩu. Khi mới thành lập thì tỷ trọng doanh thu từ xuất khẩu chưa cao, nhưng dần dần tăng qua các năm, đạt 30% năm 2007, 40% năm 2008, 60% năm 2009 và khoảng trên 70% giai đoạn 2014-2015. Tuy nhiên, tỷ trọng xuất khẩu đã giảm dần trong những năm gần đây khi nhu cầu sợi chất lượng cao tại Việt Nam tăng lên nhờ làn sóng đầu tư FDI vào lĩnh vực dệt nhuộm nhằm đón đầu cơ hội từ các hiệp định thương mại như CPTPP, EVFTA.
Khẩu vị các các nhà nhập khẩu tại Hàn Quốc, Mỹ, Thái Lan, Nhật Bản khác nhau như thế nào? Làm sao để ông xây dựng được niềm tin của các đối tác?
Sợi Thế Kỷ chủ yếu bán hàng trực tiếp cho các nhà máy dệt vải phục vụ ngành thời trang và 2 năm gần đây là cho nhà máy dệt vải phục vụ công nghiệp ôtô. Do công ty nhắm vào phân khúc hàng chất lượng cao nên yêu cầu về chất lượng của các khách hàng đều rất nghiêm ngặt và thời gian giao hàng cũng rất khắt khe. Các khách hàng thường bắt đầu từ việc đặt thử mẫu, đạt được rồi họ mới lên đơn với khối lượng nhỏ. Dần dần khi họ yên tâm là chất lượng của mình tốt và ổn định, đáp ứng thời gian giao hàng thì quy mô đơn hàng mới tăng lên và họ mới đặt thêm các sản phẩm khác. Thời gian thử mẫu nhiều khi cũng kéo dài, làm đi làm lại nhiều lần và khách hàng có rất nhiều yêu cầu dễ làm mình nản lòng. Để họ tin mình thì phải kiên trì.
Trong suốt hơn 20 năm qua, Sợi Thế Kỷ có lần nào bị trả hàng về? Nếu có thì doanh nghiệp đã xử lý như thế nào để giữ uy tín với khách hàng?
Khi khách hàng có khiếu nại về chất lượng sản phẩm (như lỗi đứt sợi hoặc nhuộm không đồng mầu) thì bước đầu tiên là bộ phận quản lý chất lượng của Sợi Thế Kỷ sẽ phối hợp với khách hàng để xem xét khiếu nại đó là do lỗi sản phẩm thực sự hay là do khách hàng chưa sử dụng đúng cách. Phần lớn các khiếu nại thường được giải quyết kịp thời nên việc trả lại hàng rất hạn hữu.
Trong những năm gần đây, mỗi năm chỉ có 1-2 trường hợp khách hàng trả lại hàng. Năm 2021, tỷ lệ trả hàng chỉ chiếm khoảng 0,05% trên tổng doanh thu. Do công ty cũng thẳng thắn và công bằng khi nhận lỗi trong những trường hợp này nên khách hàng cũng hài lòng và tiếp tục mua hàng.
Trong hành trình xuất khẩu, có kỷ niệm nào khiến ông ghi nhớ không?
Đầu năm 2015 khi công ty đang kinh doanh thuận lợi thì chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành điều tra chống bán phá giá sợi nhập khẩu từ Việt Nam và Thái Lan. Trước khi có quyết định điều tra thì Thổ Nhĩ Kỳ đang là thị trường xuất khẩu chủ lực, chiếm khoảng hơn 40% tổng doanh thu của Sợi Thế Kỷ. Mặc dù công ty có thuê luật sư để kháng kiện vì khá tự tin là sẽ thắng do mình không bán phá giá vào thị trường này (giá bán xuất khẩu cao hơn giá bán tại thị trường Việt nam khoảng 3%) nhưng để phòng rủi ro, chúng tôi cũng bắt đầu phát triển thêm các thị trường mới là Hàn Quốc và Nhật bản để thay thế cho thị trường Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhờ vậy khi chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ ra phán quyết áp thuế vào tháng 11/2016 thì tỷ trọng đóng góp doanh thu của thị trường Hàn Quốc đã đạt 15% và đến năm 2017, công ty có thêm thị trường Nhật Bản và tỷ lệ đóng góp của 2 thị trường mới này là 21%.
Nhiều tác động từ chiến sự tại Ukraine và Covid-19 tại Trung Quốc
Trong hành trình hơn 20 năm, ắt hẳn doanh nghiệp đã trải qua nhiều biến cố. Covid-19, chiến tranh tại Ukraine – có phải nằm trong số đó? Ông đánh giá thế nào về tác động của tình hình thế giới đến ngành sợi nói chung và Sợi Thế Kỷ nói riêng?
Năm 2020 và năm 2021 là những năm đáng nhớ đối với tôi. Quý II, quý III/2020 nhu cầu thị trường sụt giảm đột ngột do các thị trường nhập khẩu dệt may chính (Mỹ, EU, Nhật bản) giãn cách xã hội. Khi nhu cầu phục hồi ở các thị trường này thì Việt Nam lại giãn cách trong quý III/2021. Sau đó, công nhân bị nhiễm bệnh các tháng 11-12. Tôi nghĩ khi có rủi ro vĩ mô như dịch Covid-19 vừa qua làm cho nhu cầu hay chuỗi cung ứng bị tác động thì ngành nào cũng bị ảnh hưởng, không riêng ngành sợi và Sợi Thế Kỷ cũng không phải là ngoại lệ.
Tuy nhiên, điều quan trọng là vượt qua khó khăn như thế nào để doanh nghiệp không bị chết và có thể phục hồi được. Chiến tranh Ukraine hiện chưa có tác động nhiều đối với ngành thời trang nói chung và ngành sợi nói riêng nhưng tôi cũng mong chiến tranh sớm chấm dứt. Vì nếu chiến tranh kéo dài thì kinh tế thế giới suy thoái và nhu cầu hàng may mặc bị sụt giảm.
Xu thế dịch chuyển đơn hàng từ Trung quốc sang các nước Đông Nam Á vẫn tiếp diễn, việc dịch chuyển đơn hàng và chuỗi cung ứng là một xu hướng lớn tác động bởi nhiều nhân tố bao gồm giá thành, nhân công, thuế quan, địa chính trị. Tuy nhiên chính sách “zero Covid” của Trung Quốc dẫn đến phong tỏa cũng làm tổn thương nặng đối với chuỗi cung ứng.
|
Sợi Thế Kỷ đặt mục tiêu lợi nhuận tăng cán mốc 300 tỷ đồng năm 2022. Ảnh minh hoạ: BĐT |
Giá nguyên liệu và giá cước tăng cao ảnh hưởng đến doanh nghiệp như thế nào?
Giá bán sợi của Sợi Thế Kỷ được xác định trên cơ sở nguyên tắc: giá nguyên liệu đầu vào (hạt PET chip) cộng thêm một mức lợi nhuận (price gap) nhất định. Với nguyên tắc đó, khi giá PET chip tăng thì giá bán sợi tăng và ngược lại khi giá PET chip giảm thì giá bán sợi giảm và do đó lợi nhuận của công ty không bị ảnh hưởng bởi biến động giá nguyên vật liệu.
Tuy nhiên, sự tăng giá của phụ liệu, dịch vụ vận chuyển nội địa cũng làm tăng chi phí đầu vào của công ty. Khi mức tăng này đến một ngưỡng nào đó thì doanh nghiệp cũng phải điều chỉnh giá bán để cân bằng lại.
Bên cạnh đó, Sợi Thế Kỷ bán hàng theo giá xuất xưởng và chi phí vận chuyển tàu biển là do người mua chịu. Giá cước vận chuyển tăng thì sẽ làm tăng giá nguyên liệu đầu vào và nếu mức tăng quá nhiều thì công ty cũng sẽ phải tăng giá bán sợi để bù đắp phần chi phí tăng thêm.
Tình hình thế giới biến động, công ty có bị hủy đơn hàng hay gặp những tình huống khó không? Và nếu có thì doanh nghiệp đã xử lý như thế nào?
Chính sách bán hàng của Sợi Thế Kỷ là khách hàng phải trả tiền cọc khi đặt hàng. Do đó, công ty không gặp phải trường hợp khách hàng hủy đơn hàng. Trong trường hợp khách hàng thực sự bị ảnh hưởng và khó khăn thì Sợi Thế Kỷ cũng tìm cách hỗ trợ khách hàng. Ví dụ, khách hàng được gia hạn nhận hàng một khoảng thời gian nhất định, vì đại đa số khách đều làm ăn lâu dài và là những nhà sản xuất vải nên nhu cầu nguyên liệu sợi để phục vụ cho sản xuất là mang tính thường xuyên liên tục. Ngoài ra, công ty luôn giữ lời hứa và uy tín khi giao dịch với khách hàng trong suốt hơn 20 năm qua, nên hầu như khách hàng đều không muốn hoặc không tùy tiện thất hứa và mất uy tín.
Tiềm năng thị trường nội địa nhờ các hiệp định thương mại
Trong thời gian tới, doanh nghiệp có điều chỉnh gì về tỷ trọng xuất khẩu – nội địa không?
Với xu hướng dịch chuyển đơn hàng may mặc từ Trung quốc và các quốc gia khác sang Việt nam để hưởng lợi từ các hiệp định FTA thì nhu cầu vải và sợi trong nước sẽ tăng lên. Do đó, chúng tôi cho rằng tỷ trọng bán nội địa có thể tăng lên.
Ông đánh giá thế nào về tiềm năng thị trường trong nước của ngành sợi Việt Nam? Và về mặt xuất khẩu, làm thế nào để sợi Việt Nam có thể đi xa hơn nữa?
Để được hưởng ưu đãi thuế quan theo các hiệp định thương mại như EVFTA thì hàng may mặc phải được làm từ vải sản xuất tại Việt Nam. Bên cạnh đó, do các thương hiệu đang có xu hướng giảm thời gian đặt hàng (lead time) nên chuỗi cung ứng sợi – vải – may mặc cần phải phát triển nội địa thì mới dễ dàng đáp ứng thời gian đặt hàng ngắn.
Do đó, tôi cho rằng nguồn cung vải nội địa sẽ tăng lên để đáp ứng nhu cầu khi kim ngạch xuất khẩu tăng (dự kiến đạt 55 tỷ USD năm 2025 và 110 tỷ năm 2030) cũng như các yêu cầu về xuất xứ của các hiệp định FTA và thời gian đặt hàng ngắn.
Hiện tại, Sợi Thế Kỷ có lợi thế và yếu điểm gì so với đối thủ cùng ngành?
Lợi thế lớn nhất là thương hiệu được khách hàng đánh giá cao về chất lượng sản phẩm, dịch vụ khách hàng và giá cả cạnh tranh. Lợi thế này có được là nhờ vào nền tảng công nghệ (máy móc hiện đại) cũng như năng lực kỹ thuật và quản lý sản xuất. Ngoài ra, công ty cũng có khả năng phát triển các sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách hàng (bao gồm các loại sợi thân thiện với môi trường như sợi tái chế, sợi màu, sợi có các tính năng đặc biệt như sợi hút ẩm, chống tia cực tím, sợi co dãn cao).
Điểm yếu nhất của công ty là thiếu nguồn nhân lực cấp cao và cán bộ cấp trung còn thiếu kinh nghiệm quản lý và đào tạo cho cấp thấp hơn.
Những chiến lược cụ thể của doanh nghiệp để đạt mục tiêu 2.606 tỷ đồng, tăng 28% so với năm ngoái và lợi nhuận sau thuế 300 tỷ đồng, tăng 8% so với 2021?
Để đạt mục tiêu nói trên thì công ty đặt kế hoạch tăng doanh số bán sợi tái chế khoảng 29% và tỷ trọng sợi tái chế trên tổng doanh thu sẽ tăng lên 54%. Công ty cũng phát triển thêm các mặt hàng sợi tái chế có tính năng đặc biệt như sợi tái chế có khả năng hút ẩm, co dãn cao hay chống tia cực tím, thêm các sản phẩm sợi màu. Ngoài ra, công ty cũng chú trọng vào quản lý để kiểm soát chi phí và cải thiện hoạt động ESG để gắn kết chặt chẽ hơn với chuỗi cung ứng của các thương hiệu lớn.
|
Phiên họp cổ đông thường niên 2022 của Sợi Thế Kỷ. Ảnh: Đ.L |
“Trân trọng quá khứ và làm tốt hơn mỗi ngày”
Ông đánh giá thế nào về con đường mình đã chọn, từ làm kỹ thuật, làm sale và thành lập Sợi Thế Kỷ?
Khi chuyển từ kỹ thuật sang làm sales tôi cũng phân vân vì công việc kỹ thuật lương cao, tôi đã biết việc nên không có rủi ro. Trong khi đó, công việc sales hoàn toàn mới mẻ với tôi. Nhưng vì thích khám phá và cũng có tự tin với bản thân nên tôi đã liều nhảy việc. Rồi đến khi tôi đang làm thương mại chuyển sang lập nhà máy sản xuất cũng là một lần chấp nhận rủi ro nữa. Khi tôi đánh giá khả năng thành công 70-80%, tôi sẽ quyết định hành động ngay. Những cuộc hành trình khám phá cái mới mang tính mao hiểm và có rủi ro nhất định như thế này luôn đem lại cho tôi nhiều thu hoạch như năng lực vượt khó khi gặp thách thức, giải quyết vấn đề nan giải, học hỏi biết thêm được cái mới và cuối cùng khi thành công thì niềm vui sẽ xóa đi hết những mệt mỏi, áp lực về tinh thần và thể lực, lúc ấy lại tiếp tục tràn đầy sức sống và niềm tin.
Ông Hòa của những ngày đầu thành lập Sợi Thế Kỷ và nay ra sao?
Hồi mới thành lập công ty cũng vất vả lắm, mấy năm đầu ăn ngủ ở nhà máy. Giờ thì đỡ hơn nhiều rồi, tôi có thời gian hơn cho bản thân và gia đình. Hồi trước là “anh thanh niên” còn bây giờ là “ông chú bụng phệ” rồi.
Nếu có điều gì đó cần thay đổi về sự nghiệp trong quá khứ, thì đó là gì?
Đối với tôi quá khứ là một hành trình quý báu và đầy kỷ niệm trong cuộc sống cũng như trong sự nghiệp, tôi không hối tiếc hoặc hối hận về quá khứ. Điều quan trọng là trân trọng ngày hôm nay và tập trung vào tương lai. Có quá khứ thì mới có tôi ngày hôm nay và hiện nay sẽ là quá khứ của tương lai. Tôi cũng thường xuyên nói với bạn bè và đồng nghiệp trong công ty “Ngày hôm nay làm tốt hơn ngày hôm qua”.
Đỗ Lan-NDH