NỖI LÒNG CỦA DOANH NGHIỆP CÁ TÔM, GỖ, MAY MẶC…
Ngành gỗ, dệt may hay thủy sản đều chật vật mưu sinh, đối diện với các
khó khăn từ thị trường xuất khẩu khi nhu cầu giảm, đơn hàng thấp. Dự báo nhanh
nhất hết quý II tình hình sẽ ấm lên, nhiều công ty xoay xở trong lúc chờ tín hiệu
mừng.
Mỗi ngày thêm một khoản nợ
Xưởng sản xuất viên nén gỗ của gia đình chị Nguyễn Thị Hà (Tân Uyên,
Bình Dương) mấy tháng nay không có đơn hàng mới. Nhu cầu ở Nhật Bản, Nga hay
Hàn Quốc – những nơi chuyên nhập hàng của chị – đã giảm mạnh. 5 công nhân trong
xưởng của chị, vốn được trả công khoán theo đầu tấn (trả theo số lượng hàng
tính theo đơn vị tấn – PV), giờ gần như thất nghiệp.
Chị Hà kể cái xưởng nho nhỏ của gia đình gần như nằm không, mỗi ngày tốn
gần 1 triệu đồng tiền lãi vay ngân hàng. Nhưng điều đó cũng chưa là gì so với
những xưởng khác trong vùng. Chị kể, một nhà khác thuê xưởng cỡ lớn làm viên
nén, mỗi tháng chi phí thuê địa điểm, trả lương nhân công, điện nước… lên tới
150-200 triệu đồng. Vừa rồi, không thể chịu đựng được nữa, họ đã thông báo bán
xưởng. Nhưng bán không được. Mỗi sáng thức dậy, hai vợ chồng biết số nợ lại
phình thêm cả chục triệu đồng.
Không chỉ gỗ, các ngành xuất khẩu khác như thủy sản, dệt may cũng gặp
khó khăn. Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, quý I năm nay, kim ngạch xuất khẩu
gỗ và các sản phẩm gỗ giảm 28%, thủy sản giảm 27%, dệt may giảm 25% so với cùng
kỳ năm trước. Trong đó, dệt may sụt giảm mạnh về đơn hàng, “lao dốc chưa từng
có tiền lệ”.
Các ngành xuất khẩu chịu áp lực.
Khó khăn của ngành dệt may phản ánh trực tiếp lên kết quả kinh doanh của
nhiều doanh nghiệp.
Công ty cổ phần Garmex Sài Gòn (mã chứng khoán: GMC), một trong những
doanh nghiệp dệt may xuất khẩu hàng đầu tại TPHCM lao đao. Doanh nghiệp này có
doanh thu nghìn tỷ đồng suốt cả thập kỷ (2012-2021) nhưng tới năm 2022, cả năm
chỉ đạt 292 tỷ đồng, giảm 73% so với năm trước và ở mức đáy 16 năm. Năm đầu
tiên doanh nghiệp lỗ kể từ khi hoạt động với mức lỗ 85 tỷ đồng. Công ty cũng giảm
gần 1.800 nhân sự chỉ trong quý đầu năm. Cả doanh nghiệp chỉ còn 185 người tại
ngày 31/3.
Tập đoàn Dệt may Việt nam (Vinatex) trong quý I có doanh thu giảm 14%
còn lợi nhuận giảm gần 70% so với cùng kỳ năm trước, lãi còn 118 tỷ đồng.
Nguyên nhân là thiếu đơn hàng, giá gia công giảm mạnh 20-50%, các đơn vị kinh
doanh sợi không có cầu, giá bán sợi chưa được cải thiện.
Hay Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ (mã chứng khoán: STK) cũng gặp khó khi
doanh số và giá bán bình quân thấp do các khách hàng gián tiếp và trực tiếp thu
hẹp quy mô đơn hàng. Cả quý I, công ty chỉ lãi gần 3 tỷ đồng, giảm 97% so với
cùng kỳ năm trước.
Thiếu đơn hàng, sức tiêu thụ giảm
Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dệt may – Đầu tư –
Thương mại Thành Công (mã chứng khoán: TCM) nhận định, ngành dệt may gặp muôn
trùng khó khăn vì thiếu đơn hàng. Quý đầu năm, doanh nghiệp kỳ vọng đơn hàng sẽ
được hồi phục trong quý II-III, nhưng nay tới tháng 5 vẫn không khả quan. Các
đơn hàng giảm khoảng 60-70% ở các thị trường như Mỹ, châu Âu; một số thị trường
khác giảm 30-40%.
Là chủ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sợi – nguyên liệu đầu vào cho
các nhà máy dệt, ông Đặng Triệu Hòa, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ
cho biết từ cuối quý IV/2022, tăng trưởng kinh tế thế giới bị suy giảm mạnh,
tình trạng lạm phát tăng cao khiến cho nhu cầu hàng dệt may giảm mạnh trong quý
I/2023, đặc biệt tại các thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam là Mỹ và EU.
Vì vậy, các khách hàng chính của công ty là các công ty dệt, may cũng chậm xuống
đơn hàng hoặc trì hoãn đơn hàng do tồn kho của các thương hiệu thời trang
tăng cao.
Theo ông, trong quý I năm nay, nhìn chung, công ty nhận thấy tuy nhu cầu
về các mặt hàng sợi có cải thiện nhưng không đáng kể, lượng đơn hàng vẫn còn
ít. Lượng hàng tồn kho tại công ty này và nhiều doanh nghiệp khác cũng tăng
cao, khiến cho các chi phí liên quan tăng theo. Bên cạnh đó, lãi suất tăng cao
và mới đây là giá điện tăng cũng làm chi phí tăng.
Với tôm và cá tra, tình hình cũng không khả quan hơn. Theo Hiệp hội Chế
biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), quý đầu năm, kim ngạch xuất khẩu
cá tra cả nước giảm 35% cùng kỳ năm trước. Các thị trường giảm mạnh như Mỹ,
Brazil, Trung Quốc.
Ngành tôm cũng khó khăn do giá giảm, tình hình tiêu thụ chậm từ quý cuối
năm 2022.
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta, nói
ngành tôm đang gặp khó do lạm phát, suy thoái khiến nhu cầu bị thắt chặt, sức
tiêu thụ giảm. Song song đó, các thị trường lớn chuẩn bị hàng bán Noel và năm mới
2023 không được như ý nên nửa đầu năm, các nhà nhập khẩu tập trung phân phối,
giải phóng hàng tồn kho để kịp thời quay vòng vốn. Giá tôm cũng giảm từ quý
IV/2022 và kéo dài đến nay, mức giảm khoảng 10-15%. Ông Lực cho rằng giá tôm
còn có thể giảm mạnh hơn nữa, khi các nước nuôi tôm ở Nam bán cầu như Ecuador
hay Indonesia vào vụ thu hoạch từ cuối quý I, cung cấp sản lượng rất lớn.
Trong nước, tình hình tiêu thụ từ quý IV/2022 cũng chậm lại khiến một số
doanh nghiệp tôm tăng tồn kho. Người nuôi tôm cũng đang gặp khó do tôm bị nhiễm
bệnh trầm trọng. Từ tình hình thế giới, giá tôm tươi trong nước cũng giảm theo,
dù nguồn cung tôm trong nước không nhiều. Ông Lực ước tính giá tôm trong nước
giảm 30-40% so với năm trước, khiến người nuôi “chùn tay”, có thể dẫn
tới hiện tượng “treo ao”. Với tình hình này, trong 2 tháng tới, ông Lực
cho rằng doanh nghiệp tôm lại thiếu tôm nguyên liệu.
Nỗ lực để vượt khó
Cắt giảm chi phí là bài toán được ông Lực đưa ra để doanh nghiệp tự cứu
mình trong thời điểm này. Theo dự báo của ông, khó khăn được dự báo sẽ còn tiếp
diễn tới đầu quý III, khi các thị trường lớn giải phóng được hàng tồn kho thì sức
cầu mới tăng trở lại. Từ đó, doanh số, kinh ngạch xuất khẩu mới phục hồi. Ông
cũng nhấn mạnh hiện nay, khó khăn gấp bội với doanh nghiệp có vốn tự có thấp, tồn
kho nhiều, phải dùng đòn bẩy. Tuy nhiên, hạn mức cho vay hiện tại từ các ngân
hàng có hạn nên điều cần nhất là được mở rộng vốn vay để doanh nghiệp xoay xở.
Còn ông Trần Như Tùng đánh giá lãi suất đang rất cao, mong muốn Nhà nước
có gói ưu đãi lãi suất với doanh nghiệp dệt may, thời hạn vay dài hơn để chủ động
dòng tiền. Nhiều công ty dệt may khó khăn trong thời gian qua khiến nhiều lao động
mất việc làm, thất nghiệp. Tại Dệt may Thành Công, nơi ông Tùng làm Chủ tịch
HĐQT, ông nói không có chủ trương cắt giảm nhân sự nhưng không tuyển mới với
nhân sự nghỉ việc vì lý do cá nhân. Ông dự đoán quý IV, ngành dệt may có thể hồi
phục hoặc phải qua đầu năm sau.
Còn ông Đặng Triệu Hòa, Chủ tịch Sợi Thế Kỷ, nói tuy lượng đơn hàng của
công ty trong quý I vẫn còn khá thấp và xu hướng giá bán đối với hàng virgin (sợi
nguyên sinh) giảm, nhưng công ty vẫn duy trì những đơn hàng theo yêu cầu có giá
trị gia tăng cao. Dù những đơn hàng này có khối lượng nhỏ nhưng giá bán và lợi
nhuận tốt hơn. Ngoài ra, công ty cũng đẩy mạnh bán hàng tồn kho và linh hoạt
trong chính sách giá bán để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Ông dự đoán ngành sợi vẫn chưa thể hồi phục đến hết quý II, khả năng nhu
cầu thị trường sẽ có dấu hiệu ấm lên nhưng còn rất thấp. Lượng hàng tồn kho sợi
của thế giới vẫn ở mức cao nên giá sợi khó có thể cải thiện trong ngắn hạn. Tình
trạng thiếu đơn hàng, đơn hàng nhỏ lẻ, số lượng ít, đơn giá thấp vẫn sẽ kéo dài
đến hết quý III và dần hồi phục khi các nhãn hàng đã dần giải phóng hàng tồn
kho, bắt đầu đặt đơn hàng mới cho các sản phẩm mùa xuân – hè 2024.
Trong giai đoạn này, Sợi Thế Kỷ vẫn chủ yếu tập trung vào chiến lược bán
hàng với các sản phẩm có giá trị gia tăng cao như sợi tái chế, cải thiện năng lực
nội tại thông qua thực hiện các biện pháp quản lý chi phí tài chính, kiểm soát
chi phí bán hàng và tiết giảm tiêu hao lãng phí trong hoạt động sản xuất. Đồng
thời nâng cao năng lực của đội ngũ lao động cũng như cố gắng giữ vững chất lượng
sản phẩm sản xuất nhằm duy trì biên lợi nhuận ổn định cho công ty.
Báo cáo của Chính phủ tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV
cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt trên 371 tỷ USD, xuất siêu trên
124 tỷ USD. Trong điều kiện khó khăn, GDP quý I vẫn tăng trưởng 3,32% so với
cùng kỳ nhưng đà tăng trưởng không cao. Báo cáo cũng nêu ra một số vấn đề như
các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống năm 2022 bị thu hẹp, nhiều doanh
nghiệp thiếu đơn hàng. Cơ hội có, nhưng thách thức cũng đan xen.
Trong năm nay, Chính phủ đề ra mục tiêu mở rộng, thúc đẩy xuất khẩu – động
lực tăng trưởng của nền kinh tế đồng thời nâng cao hiệu quả xúc tiến
thương mại, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng xuất khẩu; tận dụng
cơ hội của các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết và đẩy mạnh đàm phán,
ký kết các hiệp định FTA mới (trong đó Hiệp định FTA với Israel dự kiến ký kết
trong tháng 6).
Ngày 13/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị tháo gỡ
khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản, thủy sản.
Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đặc biệt
là về thị trường, thể chế, vốn tín dụng cho sản xuất, chế biến và xuất khẩu lâm
sản, thủy sản; phát triển sản xuất lâm sản và thủy sản hiệu quả, bền vững, tích
hợp đa giá trị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh, gắn với
đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch và phát triển
thị trường cả ở trong nước và ngoài nước…
Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý trong quá trình phát triển,
chúng ta không thể tránh khỏi có những vấn đề phát sinh, những khó khăn, vướng
mắc cần phải giải quyết. Đây là điều hiển nhiên và trong khó khăn, thách thức,
chúng ta càng phải bình tĩnh, đánh giá chính xác, khách quan tình hình để có định
hướng xử lý hiệu quả các vấn đề đặt ra; giữ vững bản lĩnh, kiên định, kiên trì,
phát huy tinh thần đoàn kết toàn dân, thống nhất ý chí, quyết tâm, nỗ lực để xử
lý các vấn đề phát sinh, vướng mắc.
Nhà nước, doanh nghiệp và người dân phải có sự hỗ trợ, chia sẻ rủi ro
trong những thời điểm khó khăn hiện nay. Trong đó, Nhà nước tạo môi trường kinh
doanh thuận lợi nhất, hỗ trợ, chia sẻ một cách thực chất về chính sách tiền tệ,
chính sách tài khóa. Phát huy tính tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo của từng
doanh nghiệp và vai trò của các hiệp hội; càng trong khó khăn, lại càng phải
đoàn kết, chung sức tháo gỡ để cùng phát triển.
Các bộ, ngành và địa phương cần tập trung chỉ đạo và thực hiện tốt các
nhiệm vụ, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đa dạng hóa thị trường, sản
phẩm, chuỗi cung ứng, giảm chi phí, cắt giảm thủ tục, tạo môi trường đầu tư,
kinh doanh thông thoáng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, không phiền hà, sách
nhiễu…
Nội dung: Phóng Viên Khổng Chiêm-Báo Dân
Trí