COMPANY’S NEWS
Tin công ty-news
Bản tin IR kỳ 25
Nhập thông tin để tải bản tin
Tổng Giám Đốc Sợi Thế Kỷ tham dự tọa đàm trong sự kiện về Phát triển Bền Vững do Britcham và Wardhaven capital tổ chức
Ngày 18/3/2021, Hiệp Hội Doanh Nghiệp Anh Quốc tại Việt Nam (“Britcham”) và Wardhaven capital đã tổ chức sự kiện về phát triển bền vững với chủ đề “Dành lợi thế cạnh tranh thông qua vai trò lãnh đạo về Môi trường, Xã hội và Quản Trị Doanh nghiệp – ESG”. Sự kiện này đã thu hút sự tham dự của đông đảo các nhà lãnh đạo trong cộng đồng đầu tư và doanh nghiệp cũng như các chuyên gia về ESG. Bà Emily Hamblin, Tổng Lãnh Sự Anh tại Tp. HCM đã phát biểu khai mạc và sau đó cử tọa đã lắng nghe các bài thuyết trình về tầm quan trọng của việc kết hợp ESG vào chiến lược kinh doanh của ông Peter Percy, Trưởng Đại diện của Wardhaven Capital và các chuyên gia hàng đầu về ESG trong khu vực như bà Anne Copeland và ông James Robertson từ UN PRI. Trong sự kiện này Ông Đặng Triệu Hòa, Tổng Giám Đốc Sợi Thế Kỷ đã tham dự tọa đàm với bà Ms. Manisha Shah, Giams Đốc Tài chính của MoMo và bà Quyen Vuu, Tổng Giám Đốc Biti’s nhằm chia sẻ tầm nhìn về chiến lược ESG đã giúp doanh nghiệp của họ nâng cao hiệu quả hoạt động và dành lợi thế cạnh tranh trong ngành như thế nào.
Trả lời câu hỏi “Hành trình ESG ở Sợi Thế Kỷ đã diễn ra như thế nào và Công ty có thấy lợi ích của EGS trong việc thu hút khách hàng hay không?” ông Hòa chia sẻ “Khi mới hình thành công ty vào tháng 6 năm 2000, chúng tôi đã thấy các thương hiệu bắt đầu ngày càng quan tâm tới bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội và chúng tôi hiểu rằng phát triển bền vững là sự cần thiết để doanh nghiệp có thể tồn tại dài lâu. Do đó, chúng tôi đã kết hợp ESG vào chiến lược của mình. Ban đầu, chúng tôi thực hiện những bước đơn giản như đầu tư vào máy móc tiết kiệm điện, đo lường việc tiêu thụ điện, nước và áp dụng các biện pháp tiết kiệm, giám sát các chỉ số về môi trường, xây dựng các chính sách nhân sự tuân thủ các qui định hiện hành. 5 năm trước đây chúng tôi bắt đầu triển khai sản xuất và kinh doanh sợi tái chế, một sản phẩm thân thiện với môi trường. Sản phẩm này đòi hỏi công ty phải có chứng chỉ GRS và đôi khi chứng chỉ OEKOTEX 100. Với nền tảng sẵn có, chúng tôi có thể dễ dàng áp dụng các tiêu chuẩn của GRS và OEKOTEX 100. Hệ tiêu chuẩn GRS không chỉ xác nhận việc sản xuất sản phẩm tái chế mà còn kết hợp các thông lệ tốt nhất về bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội. Chúng tôi rất vui là sản phẩm sợi tái chế không những góp phần giải quyết vấn đề rác thải nhựa mà còn giúp giảm tiêu thụ điện năng 60%, giảm tiêu thụ nước 50% và giảm phát thải khí carbon 34% so với sợi nguyên sinh. Hiện nay chúng tôi cũng đang triển khai các dự án điện mặt trời áp mái nhằm giảm tác động tới môi trường cũng như giảm chi phí điện. Các dự án này được khác khách hàng trực tiếp và các khách hàng gián tiếp (các thương hiệu thời trang) đánh giá rất cao.”
Mỹ không áp thuế trừng phạt hàng xuất khẩu Việt Nam
Bộ Công thương: Mỹ không áp thuế, trừng phạt hàng xuất khẩu Việt Nam
17-01-2021 – 10:57 AM | Kinh tế vĩ mô – Đầu tư
Chiều 16/1, Bộ Công thương đã chính thức thông báo sau khi Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) báo cáo về vụ việc điều tra theo mục 301 đối với vấn đề định giá thấp tiền tệ của Việt Nam.
Theo đó, Bộ Công thương khẳng định, kết luận được nêu trong báo cáo ngày 15/1 của USTR hoàn toàn không đề cập hoặc đề xuất việc Chính phủ Hoa Kỳ áp thuế hoặc sử dụng các biện pháp trừng phạt đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Bộ Công thương cho biết, với vai trò Chủ tịch phân ban Việt Nam trong Hội đồng Thương mại và Đầu tư Việt Nam – Hoa Kỳ (TIFA), đồng thời là cơ quan được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ đầu mối các hoạt động trao đổi với phía Hoa Kỳ để xử lý vụ việc này, Bộ Công thương hoan nghênh ý kiến kết luận của USTR nêu trong báo cáo trên.
“Quyết định của USTR có ý nghĩa tích cực đối với quan hệ thương mại song phương, môi trường kinh doanh, đầu tư ở Việt Nam và quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước” – Bộ Công thương nhấn mạnh.
Ngay sau khi có báo cáo này, ông Myron Brilliant, Phó Chủ tịch điều hành Phòng Thương mại Mỹ đã tuyên bố cộng đồng doanh nghiệp nước này hoan nghênh thông tin Chính quyền Hoa Kỳ sẽ không áp thuế đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Ông Myron Brilliant nói thêm: “Hành động trừng phạt thương mại là phương tiện không thích hợp để giải quyết các vấn đề về định giá tiền tệ. Trên hết, cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ hết sức khuyến khích Chính phủ thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược và thương mại chặt chẽ hơn với Việt Nam – quốc gia đang ngày càng trở thành một đối tác quan trọng của Hoa Kỳ”.
Bộ Công thương cũng khẳng định thêm Việt Nam coi trọng quan hệ kinh tế, thương mại với Mỹ, coi đây là trụ cột quan trọng, là động lực thúc đẩy mạnh mẽ tổng thể quan hệ song phương.
Do vậy, thời gian tới, Bộ Công thương khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục các nỗ lực mở cửa thị trường, tăng cường hoạt động đối thoại chính sách thông qua cơ chế của Hội đồng TIFA, thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận hợp tác giữa hai bên nhằm đạt được những kết quả thực chất, giải quyết một cách toàn diện các quan tâm của Mỹ và Việt Nam, qua đó duy trì quan hệ thương mại ổn định, hướng tới cán cân thương mại hài hòa, bền vững, hai bên cùng có lợi.
Bộ kết luận: “Bộ Công thương, trong vai trò Đồng Chủ tịch Hội đồng TIFA, cùng các bộ ngành Việt Nam mong muốn và sẵn sàng trao đổi với các cấp lãnh đạo của USTR và các cơ quan liên quan, kể cả cấp Bộ trưởng hay cấp kỹ thuật, dưới mọi hình thức, để giải quyết các quan ngại và tạo tiến bộ cụ thể những vẫn đề tồn tại trong quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước trên tinh thần hợp tác, thiện chí và xây dựng để hai bên có thể chính thức khép lại các cuộc điều tra”.
Hà Trần
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị
Doanh nghiệp Hoa Kỳ kêu gọi không áp thuế quan lên hàng Việt Nam
Doanh nghiệp Hoa Kỳ kêu gọi không áp thuế quan lên hàng Việt Nam
14-01-2021 – 10:07 AM | Kinh tế vĩ mô – Đầu tư
Theo The Loadstar (Anh), doanh nghiệp Hoa Kỳ đã kêu gọi Chính phủ quốc gia này không áp thuế quan lên hàng hóa Việt Nam như đã áp lên hàng hóa Trung Quốc.
Lời kêu gọi được đưa ra sau hai cuộc điều tra về tỷ giá và ngành gỗ của Việt Nam do Văn phòng Đại diện thương mại Hoa Kỳ (USTR) thực hiện.
Các cuộc điều tra Mục 301 của USTR có cơ chế tương tự như cơ chế Hoa Kỳ đã sử dụng để áp thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc, khiến một số doanh nghiệp Hoa Kỳ lo ngại rằng Chính phủ nước này sẽ đánh thuế hàng hóa Việt Nam tương tự như đã làm đối với Trung Quốc.
Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia (NRF) đã kêu gọi Chính phủ Hoa Kỳ không áp thuế quan lên hàng Việt Nam và cần thắt chặt quan hệ với Việt Nam. “Điều quan trọng là mối quan hệ này không chỉ duy trì mà còn cần tiếp tục được mở rộng khi nền kinh tế toàn cầu hồi phục”, ông David French, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách quan hệ chính phủ của NRF nhấn mạnh.
Đại diện NRF cho hay: “Khi các doanh nghiệp Hoa Kỳ vẫn tiếp tục đối mặt với khó khăn kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra, các mức thuế mới đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam sẽ đặt ra những thách thức lớn hơn đối với doanh nghiệp Hoa Kỳ, dẫn đến chi phí cao hơn đối với người tiêu dùng”.
NRFdự báo nếu Chính phủ Hoa Kỳ áp thuế quan mới lên hàng hóa Việt Nam, người tiêu dùng Hoa Kỳ sẽ chịu thiệt hại 4-9 tỷ USD mỗi năm.
Ông David khẳng định: “Nhiều công ty chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang Việt Nam do thuế quan mà Hoa Kỳ áp lên hàng hóa Trung Quốc. Áp thuế lên hàng hóa từ Việt Nam sẽ gây thiệt hại cho những công ty này và có thể dẫn tới việc họ chuyển sản xuất trở lại Trung Quốc”.
Theo tờ South China Morning Post, dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc là một yếu tố giúp xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ tăng mạnh trong những năm gần đây. Điển hình, thặng dư thương mại của Việt Nam với Hoa Kỳ trong tháng 10/2020 đã tăng 180% so với cùng kỳ năm 2016. Trong 11 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ tăng gần 25%, đạt 69 tỷ USD.
Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Hà Nội cho biết Việt Nam đã trở thành một trong những thị trường xuất khẩu tăng trưởng mạnh nhất của Hoa Kỳ, với cơ hội lớn dành cho doanh nghiệp Hoa Kỳ trong các ngành nông nghiệp, sản xuất máy bay, năng lượng, trang thiết bị và công nghệ.
Ông Adam Sitkoff, Giám đốc AmCham tại Hà Nội nhận định: “Bất kỳ động thái nào trong những ngày cuối cùng của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm gây bất lợi cho nền kinh tế Việt Nam bằng thuế quan trừng phạt cũng sẽ gây phương hại đến mối quan hệ chặt chẽ mà hai quốc gia đã phát triển trong nhiều năm”.
Theo ông Adam, thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ với Việt Nam gia tăng chủ yếu là do sự dịch chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc thay vì chính sách tỷ giá của Việt Nam. “Bằng cách mở rộng hơn cánh cửa thị trường cho hàng hóa và dịch vụ của Hoa Kỳ, Việt Nam có thể giảm thặng dư thương mại với Hoa Kỳ theo hướng có lợi cho cả hai nước”, ông kết luận.
Hà Trần/ Theo The Loadstar
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị