Cánh cửa EVFTA mở ra, thị trường xuất khẩu ngành Dệt May của Việt Nam rộng lớn hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, để có thể trở thành quốc gia chủ lực xuất khẩu mặt hàng dệt may vào Liên minh Châu Âu (EU), rõ ràng các DN dệt may cần có những chiến lược cụ thể để đáp ứng các quy tắc về xuất xứ, kỹ thuật… của EU đặt ra nếu muốn làm chủ cuộc chơi.
Sau 9 năm đàm phán, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) đã được ký kết tại Hà Nội. Đây là một trong những thời khắc quan trọng cho sự phát triển của Việt Nam và EU trong thời gian tới. Đặc biệt, EVFTA còn mở ra nhiều lợi ích cho cộng đồng các DN Việt Nam khi EU cam kết sẽ xóa bỏ các dòng thuế của mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam khi EVFTA có hiệu lực, nhất là các mặt hàng dệt may.
Để hiểu rõ hơn về cơ hội, thách thức của ngành Dệt May trong EVFTA, PV Tạp chí Dệt May và Thời trang Việt Nam đã có buổi trao đổi với ông Trần Quốc Khánh – Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng đoàn Đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế về câu chuyện trên.
Thứ trưởng Bộ Công Thương – Trần Quốc Khánh
Theo đánh giá của Thứ trưởng, mặt hàng dệt may của Việt Nam sẽ có lợi gì khi EVFTA chính thức có hiệu lực? Sẽ có bao nhiêu dòng thuế được cắt giảm cho các mặt hàng dệt may, thưa ông?
Trước hết, với ngành hàng dệt may, đây sẽ là ngành hàng có lợi nhiều nhất khi chúng ta có Hiệp định thương mại tư do với Liên minh Châu Âu (EU). Như chúng ta đã biết, mặt hàng dệt may sẽ có tốc độ xóa bỏ thuế dần đều trong vòng 7 năm về 0%. Việc giảm thuế này sẽ mang đến chất xúc tác lớn cho các DN dệt may xuất khẩu sang thị trường EU.
Thứ hai, Quy tắc xuất xứ của EVFTA đối với mặt hàng dệt may sẽ đơn giản hơn so với CPTPP. Đối với CPTPP có yêu cầu phải đáp ứng Quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi, có nghĩa là các công đoạn từ Sợi – Vải – cắt May đều phải thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam, còn EVFTA chỉ yêu cầu từ vải.
Một điều đặc biệt nữa là sau quá trình bàn luận, trao đổi với nhau, EU đã đồng ý cho phép cộng gộp xuất xứ với những nước đã có FTA với EU như Hàn Quốc, Nhật Bản… Do đó, chúng ta hoàn toàn có quyền nhập khẩu vải từ Hàn Quốc sản xuất các mặt hàng may mặc để xuất khẩu sang thị trường EU nhằm hưởng ưu đãi về thuế quan. Tất cả các quốc gia sẽ ký FTA với EU trong tương lai cũng sẽ được tính cộng gộp theo phương thức này.
Với những điều kiện như vậy, chúng tôi tin rằng mặt hàng dệt may Việt Nam sẽ tận dụng được những ưu đãi khi EVFTA có hiệu lực.
Có thông tin cho rằng khi EVFTA có hiệu lực, các mặt hàng dệt may hiện nay đang được hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập GSP sẽ phải chuyển sang MFN với mức thuế cao hơn, sau đó giảm theo lộ trình như trong Hiệp định đã ký kết, Thứ trưởng nghĩ sao về quan điểm trên?
Đúng là hiện nay các DN dệt may của Việt Nam đang xuất khẩu vào EU với mức thuế GSP (Generalized System of Preferences). Đây là một trong số những ưu đãi của EU dành cho các nước đang phát triển hoặc kém phát triển, với mức thuế cho các mặt hàng dệt may hiện nay khoảng 9%. Hiện nay thuế MFN của EU là 15%, và nếu cắt giảm sẽ giảm dần từ 13%, 11%, 9% trong vòng 3 năm. Vậy điều gì sẽ xảy ra trong 3 năm đó khi một mặt hàng đang hưởng mức thuế 9% mà bị tăng lên trong 3 năm?
Chúng tôi đã tính đến điều này trong quá trình đàm phán và 2 bên đã đi đến thống nhất và thỏa thuận với nhau. Đối với những mặt hàng đang được hưởng ưu đãi về thuế quan phổ cập GSP vẫn tiếp tục được hưởng ưu đãi về mức thuế đó. Và chỉ khi nào mức thuế giảm về đúng bằng mức thuế GPS thì lúc đó GPS mới hết hiệu lực để chuyển sang MFN và tiếp tục giảm trong những năm tiếp theo, tiến tới về 0%.
Thưa Thứ trưởng, theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có đến 80% các DN vừa và nhỏ không biết tới EVFTA và CPTPP? Vậy Bộ Công Thương đã làm gì để giúp các DN này tiếp cận EVFTA?
Thật sự, như chúng tôi đã nói đó là điều đáng tiếc bởi tài liệu hiện nay có rất nhiều, công bố rất sớm từ năm 2016. Chúng tôi tin rằng, những DN nào quan tâm sẽ có những tìm hiểu về EVFTA, đặc biệt là các DN trong ngành thủy sản và dệt may.
Để hiểu rõ về các Hiệp định, cần có sự vào cuộc của cả 2 bên, Nhà nước thì vận đồng tuyên truyền, còn DN thì phải chủ động tìm hiểu. Lúc đó mới thu lại được lợi ích từ 2 Hiệp định.
Có một số chuyên gia lo ngại rằng hàng rào thuế quan sẽ giảm, nhưng hàng rào kỹ thuật phi thuế quan sẽ tăng. Vậy theo Thứ trưởng, phương án nào để giúp các DN vượt qua được nếu xảy ra tình huống trên?
Giảm thuế nhưng hàng rào kỹ thuật phi thuế quan sẽ tăng thì sẽ chẳng ý nghĩa gì. Nếu như giảm thuế nhập khẩu nhưng lại đưa ra các tiêu chuẩn kỹ thuật ngặt nghèo, không khác gì “mở cổng nhưng đóng cửa”. Nhưng ở đây chúng ta cần nhìn các tiêu chuẩn của Liên minh Châu Âu theo cách nhìn khác. Các tiêu chuẩn này được xây dựng hoàn toàn dựa theo tiêu chuẩn quốc tế, họ rất ít khi đưa ra các tiêu chuẩn không có cơ sở khoa học. Ví dụ như họ nói rằng dư lượng thuốc trừ sâu ở sản phẩm này phải là 0%, thì họ đã có căn cứ quốc tế để đặt ra yêu cầu để đảm bảo sức khỏe, cũng như an toàn cho NTD. Cho nên rất ít khi tôi gọi đó là hàng rào kỹ thuật. Bởi từ “hàng rào” sẽ được hiểu rằng đó là một điều gì đó vô lý đặt ra trong một căng thẳng nào đó. Còn đây là một biện pháp bảo đảm, an toàn cho sức khỏe NTD của EU, và bản thân chúng ta cũng đang quan tâm đến câu chuyện đó.
Một khi chúng ta chứng minh được rằng chúng ta quan tâm đến sự an toàn của NTD thì cánh cửa EU sẽ luôn rộng mở chào đón. Trong quá trình đàm phán các Hiệp định thương mại, chúng ta không bao giờ đàm phán để hạ thấp một tiêu chuẩn nào đó.
Trong tất cả các FTA, vấn đề bảo hộ đầu tư, cam kết phi truyền thống khiến nhiều DN lo ngại. Khi EVFTA có hiệu lực, các DN có được công lệnh mua sắm Chính phủ hay không, thưa Thứ trưởng?
Tôi xin khẳng định rằng, với EVFTA việc mở cửa trong mua sắm Chính phủ với Liên minh Châu Âu là sự mở cửa hết sức có chừng mực. Chúng ta có ý định bảo lưu về diện mua sắm Chính phủ, chúng ta có bảo lưu về nước, gói thầu… Bên cạnh đó còn có rất nhiều bảo lưu khác để bảo đảm rằng việc mở cửa mua sắm Chính phủ sẽ diễn ra từ từ đối với EU.
Thứ trưởng có nói rằng đối với EVFTA chỉ cần Nghị viện Châu Âu thông qua là sẽ có hiệu lực ngay, trong khi Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) sẽ phải đợi Nghị viện của 28 nước thành viên thông qua. Vậy thưa Thứ trưởng, chúng ta có cần phải đợi IPA có hiệu lực thì EVFTA mới có hiệu lực hay không?
Tôi khẳng định rằng chúng ta không cần phải đợi IPA có hiệu lực thì EVFTA mới có hiệu lực. Đối với EVFTA, chỉ cần Nghị viện Châu Âu thông qua là sẽ có hiệu lực ngay.
Nếu như trong quá trình EVFTA có hiệu lực, giả sử có 1 quốc gia rời khỏi EU, thì liệu rằng Hiệp định có còn hiệu lực không, thưa Thứ trưởng?
EU ký Hiệp định thương mại với Việt Nam với tư cách là 1 thực thể. Còn quốc gia nào rời khỏi EU thì sẽ không còn được hưởng những ưu đãi Việt Nam dành cho EU và ngược lại.
Sợi Thế Kỷ (STK): Lãi sau thuế gần 106 tỷ đồng, đang tìm cơ hội xuất khẩu trực tiếp sang EU
(ĐTCK) Kết thúc 6 tháng đầu năm, CTCP Sợi Thế Kỷ (STK) đạt 1.099 tỷ đồng doanh thu và 105,7 tỷ đồng lãi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 7,8% và tăng 21,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Với kết quả này, STK đã hoàn thành hơn 42% kế hoạch doanh thu và 52% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Trong quý II/2019, STK ghi nhận tốc độ bán hàng chậm và giá bán của sợi virgin (sợi nguyên sinh) giảm do khách hàng chậm xuống đơn và tác động của hoạt động bán phá giá từ các đối thủ Trung Quốc.
Tuy nhiên, nhờ sự tăng trưởng doanh thu sợi tái chế (sợi trọng điểm năm 2019 của STK) và các loại sợi có giá trị gia tăng cao khác đã giúp bù đắp doanh số của sợi virgin (doanh số sợi virgin giảm 27%, trong khi sợi tái chế tăng 118%). Công ty đang có xu hướng nâng cao tỷ trọng sử dụng sợi Recycle cung cấp cho các nhãn hàng lớn.
Do đó, quý II, STK đạt doanh thu 494 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ, nhưng nhờ giá vốn giảm mạnh hơn, ở mức 23% nên lợi nhuận gộp tăng 11%, ở mức 95 tỷ đồng. Cả chi phí bán hàng và chi phí quản lý đều giảm. Kết quả, lợi nhuận quý 2 đạt 53,8 tỷ đồng, tăng 21,5%.
Trong quý II, STK phát triển hơn 25 khách hàng mới, có 20 khách hàng đến từ thị trường nội địa, 1 khách hàng đến từ thị trường Mỹ, 01 khách hàng đến từ thị trường Nhật Bản, 02 khách hàng đến từ thị trường Đài Loan, đóng góp 1% trong doanh thu quý II/2019 của Công ty.
STK đang sản xuất và thử nghiệm các loại sợi có độ nhuyễn cao để tối đa hóa giá bán. Hiện Công ty đã thử nghiệm và sản xuất mẫu sợi by pass, two tone, thick and thin với nhiều hiệu ứng, ánh bóng, hoa văn, ren trên vải.
Kết quả kiểm tra mẫu đạt tiêu chuẩn nên trong quý II/2019 Công ty đã chào mẫu cho các khách hàng nội địa và thị trường xuất khẩu. Bước đầu Công ty đã nhận được các đơn mẫu cho sợi two tone, by pass, thick and thin ở thị trường nội địa và Thái Lan và sắp tới Công ty sẽ tiến hành sản xuất giao những mẫu này trong Q3-2019.
Đối với dự án sản xuất sợi màu (dope dyed), STK cho biết, đã hoàn thành việc lắp đặt thiết bị mua thêm vào máy móc hiện hữu tại nhà máy Củ Chi trong tháng 6/2019. Dự kiến Công ty sẽ cho chạy thử trong Q3-2019 và từng bước cung ứng ra thị trường, mở rộng thêm mạng lưới tiêu thụ sản phẩm này.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu STK cũng có sự bứt phá đi lên từ đầu năm 2019 và chinh phục đỉnh 25.300 đồng/cổ phiếu hồi đầu tháng 7.
Chia sẻ ý kiến về Hiệp định EVFTA, ông Đặng Triệu Hoà, Tổng Giám đốc STK cho rằng, Việt Nam về lâu về dài sẽ có lợi thế về thuế quan hơn các đối thủ khác như Trung quốc, Malaysia, Mexico, Thái lan, Thổ Nhĩ Kỳ (hiện đang chịu mức thuế MFN), Ấn Độ, Indonesia, Pakistan (hiện đang được hưởng chế độ Generalized System of Preferences –GSP) khi xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường EU.
Theo đó, STK cũng đang tìm cơ hội xuất khẩu trực tiếp sang các quốc gia EU có ngành công nghiệp dệt nhuộm như Italy, Slovenia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Séc. Tuy nhiên, do mới ở giai đoạn đầu nên STK chưa xác định mục tiêu cụ thể. STK cũng đẩy mạnh việc bán hàng cho các khách hàng có làm hàng xuất khẩu đi EU.
Đồng thời, STK mong đợi là các doanh nghiệp may mặc Việt nam sẽ có nhiều đơn hàng hơn từ EU. Và như vậy, ngành sản xuất vải cũng như ngành sợi trong nước sẽ được hưởng lợi gián tiếp vì theo EVFTA để hưởng ưu đãi thuế quan thì sản phẩm may mặc phải làm từ vải sản xuất tại Việt nam.