(NDH) Nhìn nhận CPTPP mang lại cơ hội lớn, cả ba doanh nghiệp đều tính phương án thâm nhập một số thị trường trọng điểm, kế hoạch kinh doanh 2018 cũng có nhiều khởi sắc.
Mới đây, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được ký kết giữa 11 nước, trong đó có Việt Nam. Với việc tạo ra thị trường mở, quy mô CPTPP chiếm khoảng 15% GDP toàn cầu và 15% tổng khối lượng giao dịch. Đánh giá tác động của CPTPP, nhiều người cho rằng một số ngành của Việt Nam sẽ được hưởng lợi lớn như dệt may, thủy sản, logistic và bất động sản.
11 nước thành viên CPTPP (Ảnh: WB)
Sợi Thế Kỷ: Việt Nam sẽ là nước hưởng lợi nhiều nhất
Ông Đặng Triệu Hòa, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ (Mã: STK) cho rằng CPTPP được ký kết mở ra cơ hội to lớn cho ngành dệt may Việt Nam nói chung và STK nói riêng.
Theo số liệu thống kê của Ngân hàng thế giới, kim ngạch nhập khẩu hàng dệt may năm 2016 của 6 nước lớn trong khối CPTPP bao gồm Canada, Mexico, Australia, New Zealand, Chile và Peru khoảng 40 tỷ USD. Trong khi đó, thị phần xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang các quốc gia này hiện khiêm tốn (từ 1% đến 5%) do thuế suất đối với hàng nhập khẩu dệt may ở các thị trường này khá cao (Canada 17- 18%, Mexico 30%, Australia 10% , New Zealand 10%).
Các quốc gia nói trên đều có cam kết sẽ cắt giảm đáng kể thuế suất nhập khẩu hàng dệt may từ các quốc gia thành viên CPTPP khi Hiệp định có hiệu lực.
Cụ thể, Canada sẽ giảm về thuế suất về 0% đối với trên 50% các loại mặt hàng dệt may, số còn lại sẽ giảm trong 4 năm. Mexico sẽ miễn thuế ngay 16% các loại mặt hàng, số còn lại giảm dần trong 10 đến 16 năm. Australia sẽ giảm thuế suất về 0% ngay khoảng trên 50% loại mặt hàng, số mặt hàng còn lại sẽ cắt giảm về 0% trong 3 đến 4 năm. New Zealand giảm ngay về 0% trên 50% loại mặt hàng, còn lại sẽ giảm dần trong 5 đến 7 năm.
Trong 11 nước thuộc khối CPTPP, Việt Nam là nước có quy mô xuất khẩu dệt may lớn nhất. Do đó, với mức cắt giảm thuế suất nhập khẩu hàng may mặc của các nước CPTPP nói trên, Việt Nam sẽ là nước hưởng lợi nhiều nhất vì đơn hàng từ các nước nói trên đổ vào Việt Nam. STK sẽ được hưởng lợi gián tiếp từ việc dịch chuyển đơn hàng này do các nước trong khối CPTPP sẽ áp dụng nguyên tắc từ sợi trở đi (nghĩa là để được hưởng ưu đãi thuế quan thì hàng may mặc xuất đi từ Việt Nam phải được làm từ sợi sản xuất ở Việt Nam).
Ông Đặng Triệu Hòa cho biết STK có kế hoạch thâm nhập thị trường Mexico và Malaysia vì đây là 2 quốc gia trong CPTTP có nền công nghiệp dệt may tương đối tiềm năng nhưng yếu về nền công nghiệp sợi xơ dài.
Năm 2017, STK đã phát triển được một số khách hàng là các công ty đa quốc gia có hoạt động tại các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Thái Lan. Năm 2018, doanh thu nội địa dự kiến khoảng 39%, xuất khẩu (bao gồm xuất khẩu nội địa) khoảng 61% với các thị trường chính như Hàn Quốc, Nhật Bản và Thái Lan.
Ngoài ra, công ty cũng đang hợp tác với đối tác chiến lược để xúc tiến cung ứng sợi Recycle đến các nước EU, Pakistan, Indonesia. Hiện nay các nước này đang có nhu cầu lớn về sợi Recycle để làm sản phẩm Recycle cho các thương hiệu lớn trên thế giới. Việc xuất khẩu sợi đến các thị trường này dự kiến thực hiện trong năm 2018.
Trên cơ sở đó, năm 2018 Sợi Thế Kỷ đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận sau thuế tương ứng là 2.354 tỷ đồng và 125,9 tỷ đồng, tăng lần lượt 18% và 28% so với kết quả thực hiện năm trước.
Everpia: Cân nhắc mua nguyên liệu trong nước để đáp ứng xuất xứ
Đi sâu nhìn nhận cơ hội với doanh nghiệp, đại diện Công ty cổ phần Everpia (Mã: EVE) nói CPTPP mang lại triển vọng phát triển ở cả ngành hàng bông tấm và ngành hàng chăn ga gối đệm.
Về phía khách hàng, CPTPP được kỳ vọng sẽ giúp gia tăng các đơn hàng, cải thiện doanh thu nội địa và xuất khẩu vì các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may mở rộng quy mô sản xuất; đầu tư xây mới các doanh nghiệp dệt may (chủ yếu từ Trung Quốc do đón đầu TPP và chính phủ nước này áp dụng chính sách thu hẹp sản xuất); Khách hàng chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam để hưởng lợi thuế suất.
Ở ngành hàng bông tấm, hiện tại xơ dùng để sản xuất Bông tại Everpia 100% nhập khẩu từ Hàn Quốc – nước không tham gia CPTPP. Thời gian tới, nếu chất liệu xơ tại Việt Nam và Malaysia đáp ứng được yêu cầu nguyên vật liệu, EVE sẽ cân nhắc chuyển một phần đơn hàng tới các nhà cung cấp mới.
Đối với ngành hàng chăn ga gối đệm, nguyên liệu đầu vào chính của EVE là vải trơn (vải 1 màu) và vải hoa (vải có họa tiết). EVE nhập 100% vải hoa từ Hàn Quốc. Vải trơn nhập từ Hàn Quốc, Trung Quốc hoặc mua tại Việt Nam. Thuế nhập khẩu thông thường 12% tùy thuộc vào kiểu dệt, chất liệu và màu sắc. Đây chính là cơ hội mua nguyên liệu trong nước, hưởng lợi giảm thuế, giảm phí vận chuyển, giảm chi phí đầu vào.
Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu chăn ga gối đệm chính hiện tại là Hàn Quốc (87%), còn lại là Dubai và Nhật Bản, do đó có thể mở rộng đối tượng khách hàng thông qua xuất khẩu trực tiếp và gián tiếp.
Sau khi có CPTPP, thị trường mà công ty mong muốn hướng tới là Nhật Bản, Singapore và Australia. Để thâm nhập thị trường này, công ty sẽ tìm kiếm nguyên vật liệu đầu vào đảm bảo các tiêu chuẩn về xuất xứ và chất liệu; đẩy mạnh hoạt động marketing tại thị trường mục tiêu và xuất khẩu dưới hình thức OEM hoặc sản phẩm của EVE.
Đại diện EVE cho biết kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm 2018 sẽ được HĐQT trình ĐHCĐ thông qua tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên ngày 20/4 tới đây. Dự kiến, mục tiêu doanh thu 1.200 tỷ đồng và lợi nhuận 120 tỷ đồng, tăng lần lượt 21% và 1,3 lần so với năm trước.
TCM: Tìm kiếm thị trường mới
Nhìn nhận cơ hội thị trường lớn từ các nước trong CPTPP, ông Trần Như Tùng, thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công (Mã: TCM) cho biết từ nay đến cuối năm 2018 sẽ tập trung tìm kiếm khách hàng mới như Canada, Úc, Mexico do 3 quốc gia này có lượng nhập khẩu hàng dệt may rất lớn. Riêng thị trường Nhật Bản đã có FTA nên không có những tác động lợi ích trực tiếp từ thuế nhập khẩu nhưng sẽ có tác động gián tiếp qua các ngành khác, giúp cho sản lượng dệt may xuất sang Nhật tăng theo.
Năm 2018, TCM đặt kế hoạch doanh thu 140 triệu USD (3.178 tỷ đồng) và lợi nhuận sau thuế 8,4 triệu USD (190,6 tỷ đồng), tương đương kết quả thực hiện năm trước.
Hai tháng đầu năm, lợi nhuận của TCM vào khoảng 27 tỷ đồng. Dự báo từ tháng 3 trở đi, lợi nhuận mang lại của mảng sợi được cải thiện nhờ giá bông TCM đã mua so với giá bông hiện tại tăng 15% nên giá bán cũng tăng theo.
Nguồn: ndh.vn, Khổng Chiêm.