Nguyễn Thành Đạt
Ấn tượng 6 báo cáo Phát triển bền vững tốt nhất Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết năm 2024
6 doanh nghiệp xuất sắc nhất ở hạng mục Báo cáo Phát triển bền vững (PTBV) đã được vinh danh trong Lễ trao giải Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết (VLCA) lần thứ 17 – năm 2024 diễn ra ngày 16/11 vừa qua.
Tổng quan về Báo cáo phát triển bền vững năm nay cho thấy sự tiến bộ rõ rệt cả về số lượng và chất lượng. Ngoài việc giữ vững vị trí của các doanh nghiệp quen thuộc, nhiều gương mặt mới được đánh giá cao về cấu trúc báo cáo mặc dù là năm đầu tiên thực hiện.
Số lượng các công ty lập báo cáo PTBV riêng biệt năm nay đã tăng kỷ lục từ 21 lên 33 nối tiếp đà tăng liên tục qua các năm. Đây cũng là mùa báo cáo có số lượng báo cáo PTBV riêng biệt cao nhất và số lượng các báo cáo được vào vòng chung khảo cao nhất trong 12 năm qua.
Trong đó, có đến 10 báo cáo (chiếm gần 30%) được soạn lập bởi các doanh nghiệp ngành dịch vụ tài chính, gồm 6 báo cáo từ ngân hàng, 2 báo cáo từ bảo hiểm và 2 báo cáo từ các công ty tài chính và chứng khoán.
Hội đồng Bình chọn đã chọn ra 6 doanh nghiệp có báo cáo PTBV tốt nhất để trao giải, trong đó:
- 1 giải nhất: Vinamilk (VNM)
- 1 giải nhì: Sợi Thế Kỷ (STK)
- 3 giải khuyến khích:
- Tính đầy đủ: Dược phẩm Imexpharm (IMP)
- Tính tin cậy: Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM)
- Tính trình bày: Tập đoàn Bảo Việt (BVH)
- Giải doanh nghiệp có báo cáo Quản lý khí thải nhà kính tốt nhất: Vinamilk (VNM)
Hội đồng Bình chọn đã chỉ ra những điểm mới, tích cực của các báo cáo PTBV xuất sắc nhất – nổi bật là sự tiến bộ trong việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế tiếp tục được duy trì, mở rộng và chiến lược bền vững của các doanh nghiệp.
VINAMILK – Hành trình xanh, tương lai bền vững
Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, đồng Trưởng Ban Tổ chức Cuộc bình chọn trao chứng nhận Giải quán quân Báo cáo Phát triển bền vững cho đại diện Vinamilk (VNM). Ảnh: Lê Toàn |
Năm 2023 đánh dấu bước tiến lớn của Vinamilk trong việc giảm thiểu tác động môi trường, đặc biệt là cam kết Net Zero vào năm 2050. Là doanh nghiệp sữa đầu tiên tại Việt Nam tham gia Sáng kiến Toàn cầu về Net Zero, Vinamilk đã triển khai chương trình “Vinamilk Pathways to Dairy Net Zero 2050”. Công ty đặt ra mục tiêu giảm 15% khí nhà kính vào năm 2027 và đạt mức phát thải bằng 0 vào năm 2050.
Trong năm qua, Vinamilk cũng đã đạt được những thành quả đáng kể, bao gồm trung hòa 17.560 tấn CO2, tương đương với việc trồng 1,7 triệu cây xanh. Các nhà máy và trang trại của công ty tuân thủ tiêu chuẩn ISO 14064 và đạt chứng nhận trung hòa carbon theo chuẩn PAS 2060:2014. Vinamilk còn tiết kiệm hơn 877.125 kWh năng lượng xanh, trồng thêm 1,1 triệu cây xanh, và chuyển sang sử dụng túi nhựa tự hủy sinh học. Những nỗ lực này không chỉ đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững quốc gia mà còn giúp công ty duy trì vị thế tiên phong trong ngành sữa toàn cầu.
Những nỗ lực này không chỉ củng cố vị thế của Vinamilk tại Việt Nam mà còn nâng cao uy tín của doanh nghiệp trên trường quốc tế; đồng thời, đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển bền vững quốc gia.
Ông Dominic Scriven OBE, Chủ tịch Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital Việt Nam trao chứng nhận giải có báo cáo Quản lý khí thải nhà kính tốt nhất cho đại diện Vinamilk (VNM). Ảnh: Lê Toàn |
Vinamilk xứng đáng được vinh danh ở hai hạng mục Báo cáo Phát triển bền vững tốt nhất và Công bố thông tin khí nhà kính tốt nhất.
STK – Thách thức song hành cơ hội
Bà Trần Anh Đào, Phó tổng giám đốc Phụ trách Ban điều hành Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), Chủ tịch Hội đồng Bình chọn Doanh nghiệp niêm yết 2024 trao giải Nhì báo cáo PTBV cho đại diện Sợi Thế Kỷ (STK). Ảnh: Lê Toàn |
Năm 2024, Sợi Thế Kỷ (STK) tiếp tục thể hiện cam kết và đầu tư về Phát triển Bền vững (PTBV) một cách mạnh mẽ với một báo cáo PTBV riêng được trình bày theo một cơ cấu nội dung khá hợp lý, bám theo các nhóm tiêu chuẩn GRI và có những liên kết cụ thể với báo cáo thường niên. Các trọng tâm, các cam kết PTBV gắn với đặc thù ngành được khẳng định rõ ràng thông qua thông điệp của lãnh đạo STK.
Báo cáo của STK cũng là một trong những số ít đơn vị đưa ra được cam kết chiến lược cụ thể về cắt giảm khí nhà kính 29,4% trong giai đoạn 2023-2027 cho một nhãn hàng cụ thể dựa trên SBTi.
Đặc biệt trong báo cáo PTBV 2024, STK tập trung nhiều thông tin về việc triển khai và áp dụng thành công các sáng kiến về PTBV/ESG theo những thông lệ tốt về quản lý, đo lường và công bố thông tin về KNK đối với nhà máy Trảng Bàng như một ví dụ điển hình, bao gồm cam kết SBTi, đánh giá và kiểm kê Phạm vi 1 và Phạm vi 2 với sự tham gia của một bên tư vấn độc lập.
STK xứng đáng với giải Nhì Báo cáo Phát triển bền vững tốt nhất 2024.
Hội đồng Bình chọn đã trao 3 giải khuyến khích cho 3 hạng mục Tính Đầy đủ là IMP, tính Tin cậy DCM, tính Trình bày BVH
Ông Ren Varma, Giám đốc khu vực Đông Nam Á Lục địa, Hiệp hội Kế toán công chứng Anh (ACCA) trao chứng nhận cho các đơn vị đoạt giải, gồm Imexpharm, Đạm Cà Mau và Tập đoàn Bảo Việt. Ảnh: Lê Toàn |
Imexpharm – Bước tiến vượt bậc
Trong mùa giải năm 2023, Ban tổ chức đã nhận định báo cáo Phát triển bền vững của Imexpharm rất có tiềm năng đạt được thứ hạng cao hơn và dự đoán đó đã thành hiện thực trong năm nay. Imexpharm đã lọt vào Top 5 Báo cáo Phát triển bền vững tốt nhất và được trao giải Báo cáo Phát triển bền vững có tính đầy đủ nhất.
Ông Ren Varma, Giám đốc khu vực Đông Nam Á Lục địa, Hiệp hội Kế toán công chứng Anh (ACCA) trao chứng nhận giải Báo cáo phát triển bền vững có tính đầy đủ nhất cho đại diện Imexpharm (IMP). Ảnh: Lê Toàn |
Kết quả cho thấy nỗ lực không ngừng của Imexpharm và cam kết chất lượng báo cáo phát triển bền vững trong nhiều năm qua. Đây cũng là một phần trong cam kết “Chăm sóc sức khỏe toàn diện cho tương lai Việt Nam” mà Imexpharm đã sử dụng làm tiêu đề của báo cáo phát triển bền vững năm nay.
Bảng điểm năm 2024 cho thấy Imexpharm tăng 20 điểm ở hạng mục tính đầy đủ. Hạng mục này bao gồm các tiêu chí rất quan trọng của một báo cáo phát triển bền vững như đánh giá trọng yếu, sự tham gia của các bên liên quan, chiến lược, bối cảnh và các chỉ số hoạt động…
Đối với một đơn vị sản xuất, chỉ số phát thải khí nhà kính là một chỉ số rất quan trọng. Imexpharm đã công bố kết quả đo lường khí nhà kính và so sánh mức phát thải qua các năm.
DCM – Kiến tạo giá trị bền vững hơn, thịnh vượng hơn
Mặc dù là năm đầu tiên lập báo cáo phát triển bền vững riêng biệt, Báo cáo của DCM khá đầy đủ, chi tiết và đặc biệt thể hiện độ tin cậy cao.
Về mặt chiến lược, Thông điệp của Chủ tịch Hội đồng quản trị đã nêu được cam kết chung ở các mặt bao gồm “Định hướng phát triển các sản phẩm chất lượng cao và thân thiện môi trường.” và “có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội…”. Định hướng chiến lược này được chi tiết hóa ở nhiều lĩnh vực cụ thể như công nghệ sạch, năng lượng, (biến đổi khí hậu) giảm cường độ phát thải khí nhà kính ở cả ba phạm vi…
Về quản trị, DCM đã thành lập Ủy ban ESG – đơn vị chuyên môn trực thuộc Hội đồng quản trị có các chức năng tham mưu, tư vấn, giám sát các lĩnh vực liên quan đến phát triển bền vững và quản trị công ty cho Hội đồng quản trị, với chức năng tương đối rõ ràng. Quản lý rủi ro cũng được trình bày cụ thể, bao gồm rủi ro phát triển bền vững một cách chi tiết.
Ông Ren Varma, Giám đốc khu vực Đông Nam Á Lục địa, Hiệp hội Kế toán công chứng Anh (ACCA) trao chứng nhận giải Báo cáo phát triển bền vững có độ tin cậy cao nhất cho đại diện Đạm Cà Mau (DCM). Ảnh: Lê Toàn |
Các điểm sáng khác của báo cáo DCM có thể kể đến là: Bao gồm chỉ tiêu phấn đấu giảm phát thải khí nhà kính 2023-2030 và đa dạng sinh học, đề cập đến nhiều biện pháp thực hiện. Ngoài ra, báo cáo còn có đảm bảo 4 chỉ tiêu từ Deloitte Vietnam về điện, nước tiêu thụ và lao động.
BVH – Sống bền vững cùng Bảo Việt
Mặc dù khá dài (263 trang, tăng 23 trang so với báo cáo năm trước) nhưng do cấu trúc chặt chẽ, bao gồm các tham chiếu, phần tóm tắt và minh họa sáng tạo, đồ thị đa dạng, thẩm mỹ, định dạng PDF tương tác…, Báo cáo Phát triển bền vững của BVH tiếp tục là một trong những báo cáo chuẩn và đẹp của năm nay.
Ông Ren Varma, Giám đốc khu vực Đông Nam Á Lục địa, Hiệp hội Kế toán công chứng Anh (ACCA) trao chứng nhận giải Báo cáo phát triển bền vững có cách trình bày tốt nhất cho đại diện Tập đoàn Bảo Việt (BVH). Ảnh: Lê Toàn |
Về mặt chiến lược phát triển bền vững, mặc dù có các thay đổi ở thượng tầng lãnh đạo, Báo cáo vẫn cho thấy BVH tiếp tục kiên trì và có được sự cam kết cao nhất qua Thông điệp của Phụ trách Hội đồng quản trị, với sự tập trung vào phúc lợi xã hội. Điều này cũng đã thể hiện rõ ở sự tiến bộ đáng ghi nhận trong đánh giá (tự khai) của BVH cho bộ tiêu chí S&P Global ESG Score đã có 2 trong 3 lãnh vực trên mức trung bình ngành (thêm một lãnh vực là xã hội so với năm 2022). Điều này là đáng khích lệ vì BVH là một trong những đơn vị đầu tiên trên thị trường tự nguyện tham gia đánh giá ESG theo các chỉ tiêu được quốc tế công nhận.
Phần báo cáo về tác động môi trường của BVH tương đối đầy đủ, bao gồm cả theo dõi và kiểm soát lượng khí thải nhà kính và có Báo cáo Khí thải nhà kính (GHG Protocol) tại các tòa nhà Bảo Việt và bao gồm các phân tích biến động.
Nhìn chung, Báo cáo BVH tiếp tục là một báo cáo phát triển bền vững bài bản, chuẩn mực.
OCB – Hành trình chuyển đổi ngân hàng xanh
Đây là năm đầu tiên OCB lập báo cáo phát triển bền vững. Nhìn chung, báo cáo được lập khá chỉn chu, cấu trúc chặt chẽ, đầy đủ các chỉ tiêu cơ bản và trình bày đẹp mắt.
Về mặt chiến lược, Thông điệp của Chủ tịch Hội đồng quản trị khá rõ ràng với cam kết phát triển bền vững trên các lĩnh vực hoạt động của Ngân hàng, “với mục tiêu trở thành ngân hàng Xanh tiên phong tại Việt Nam trong việc chuyển đổi số và xây dựng hội sở theo chuẩn công trình xanh…”; đồng thời, gia tăng quy mô “của tín dụng xanh tăng dần trung bình 8 – 10% toàn bộ Ngân hàng”.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch Chứng Khoán Việt Nam (VNX) trao chứng nhận giải Tiến bộ vượt trội ở hạng mục báo cáo Phát triển bền vững cho đại diện ngân hàng OCB. Ảnh: Lê Toàn |
Về quản trị, OCB đã thành lập Ủy ban Phát triển bền vững trực thuộc Hội đồng quản trị và Giám đốc Phát triển bền vững với các chức năng và nhiệm vụ rõ ràng. Báo cáo về khí nhà kính khá chi tiết và rõ ràng bao gồm các số liệu so sánh qua các năm 2021 – 2023.
Về chuẩn mực, báo cáo có tham chiếu GRI với số trang cụ thể và trình bày đúng theo cấu trúc của GRI.
Trong năm đầu tiên của mình báo OCB đã thể hiện được tiềm năng của một báo cáo tốt, bài bản, được trình bày súc tích và sáng sủa và xứng đáng nhận được giải Báo cáo Phát triển bền vững tiến bộ nhất