Tháng: Tháng Tư 2019
Báo cáo kết quả chào bán ra công chúng
Báo cáo kết quả chào bán ra công chúng
ĐHĐCĐ STK: Kế hoạch năm 2019 có phần bảo thủ, giai đoạn 2020 – 2021 có nhiều dự án lớn
ĐHĐCĐ STK: Kế hoạch năm 2019 có phần bảo thủ, giai đoạn 2020 – 2021 có nhiều dự án lớn
ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 tổ chức ngày 02/04/2019 của STK |
Lợi nhuận quý 1/2019 đạt 51 tỷ đồng
Năm 2019, Sợi Thế Kỷ đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt gần 2,603 tỷ đồng, tăng 8% so với thực hiện năm 2018. Lợi nhuận sau thuế ước đạt gần 200 tỷ đồng, tăng 12%.
Cổ đông cũng đã xem xét và thông qua việc điều chỉnh mục đích sử dụng vốn từ đợt phát hành cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 10%. Mục đích trước đó là để sử dụng cho Dự án Trảng Bàng 5. Tuy nhiên, vì một số lý do mà việc phát hành kéo dài, trong khi đó vốn huy động cho Dự án Trảng Bàng 5 đã được công ty giải quyết đúng thời hạn, nên số tiền thu được từ đợt phát hành sẽ dùng để bổ sung vốn kinh doanh.
Ông Hòa cũng tiết lộ thêm về kết quả quý 1 của Công ty, tới ngày 31/03, doanh thu đạt 605 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 51 tỷ đồng, lần lượt tăng 3% và 27% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này nhờ doanh thu sợi tái chế tăng và vì chiếm tỷ trọng cao nên kéo lợi nhuận tăng cao. Mặt khác, ông Hòa cũng cho biết trong quý 1, đơn hàng thường khá ít, ước tính quý 2 sẽ được cải thiện. Các đơn hàng sợi tái chế đang tăng trưởng khá tốt.
Năm 2019 là bàn đạp cho tương lai
Bên cạnh đó, HĐQT công ty dự kiến chia cổ tức năm 2018 bằng tiền mặt với tỷ lệ 15%. Ban lãnh đạo Công ty cho biết năm 2019, Công ty chưa có nhu cầu đầu tư, không cần giữ tiền mặt nhiều. Vì vậy, Công ty sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông. Khi nào cần vốn đầu tư, Công ty sẽ chia bằng cổ phiếu hoặc phát hành thêm.
Về định hướng phát triển trong ngắn hạn, STK sẽ tiếp tục tập trung vào đơn hàng sợi tái chế, tăng tỷ trọng sản phẩm có giá trị gia tăng cao (sợi đặc biệt). Ông Hòa cho biết trong mảng sợi đặc biệt, Công ty đang hợp tác với một đối tác Nhật Bản.
Ông Hòa cũng nói cụ thể hơn về định hướng đầu tư năm 2019 – 2021. Trong ngắn hạn, Công ty sẽ đầu tư 200,000 – 300,000 USD cho dây chuyền sợi màu, công suất dự kiến là 4,000 tấn/năm. Dự kiến đến tháng 7/2019, dây chuyền sẽ đi vào hoạt động và cho ra sản phẩm. Đây là dây chuyền thử nghiệm, giá sợi màu sẽ bán cao hơn sợi thường 10% và lợi nhuận cao hơn sợi thường khoảng 5%-6%. Ông Hòa cho biết vì đây là khoản đầu tư thử nghiệm nên sẽ không tính vào kế hoạch năm 2019. “Ước tính cuối năm 2019, Công ty sẽ thu được doanh thu khoảng 2 triệu USD từ sợi, vì vậy lợi nhuận có cũng không cao”. Tuy nhiên, nếu dây chuyền sản xuất sợi màu đầu tiên gặt hái kết quả tốt, Công ty có thể tiếp tục đầu tư để chuyển đổi thêm một số dây chuyền sản xuất sợi trắng sang sợi màu và công suất sợi màu có thể tăng gấp 4 lần, mức đóng góp lợi nhuận cũng sẽ tăng tương ứng trong năm 2020.
Về dài hạn, STK sẽ tập trung vào 2 dự án là liên minh chuỗi cung ứng Sợi – Dệt – Nhuộm với 2 doanh nghiệp FDI và dự án Polymerization.
Trong đó, vốn đầu tư dự kiến cho dự án liên minh Sợi – Dệt – Nhuộm là 13 triệu USD, thời gian triển khai trong năm 2020 – 2021. Dự kiến sản lượng 20,000 tấn/năm. Trong chuỗi này, Công ty phụ trách khâu sợi. Nói thêm về lợi ích của liên minh, ông Hòa nhận định nhờ thành lập liên minh khép kín, Công ty có thể nhận nhiều đơn đặt hàng hơn. Mặt khác, quy trình khép kín sẽ giúp STK tối ưu được khâu quản lý sản xuất. Ông Hòa cho biết, đầu ra về may mặc trong liên minh này là đối tác chuyên sản xuất đồ thể thao và dã ngoại.
Bên cạnh đó, dự án Polymerization cũng sẽ là một trong những định hướng phát triển trọng tâm của Công ty trong tương lai. Số vốn đầu tư là 150 triệu USD, dự kiến triển khai từ năm 2019 – 2021 và đưa vào vận hành từ năm 2022. Tổng công suất đạt 106,500 tấn/năm. Trong đó, hạt chip là 35,500 tấn/năm, sợi DTY là 56,800 tấn/năm; sợi FDY 14,200 tấn/năm.
Nói về sự cần thiết đầu tư vào dự án, ông Hòa cho biết triết lý kinh doanh của STK là tập trung đầu tư cho mảng sợi. Theo định hướng này, Công ty sẽ mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh chiếm lĩnh về thị phần trong ngành sợi. Bên cạnh đáp ứng nhu cầu khách hàng phân khúc cao cấp, STK cũng chủ trương chiếm lĩnh thị phần ở phân khúc trung cấp với sản lượng sợi thường nhưng có chất lượng tốt. Với xu hướng tỷ trọng sợi tái chế trên tổng doanh thu tăng lên, công suất của các nhà máy hiện hữu sẽ không đủ để đáp ứng nhu cầu về sợi nguyên sinh của khách hàng. Vì vậy, với việc đầu tư một nhà máy mới, Công ty sẽ vừa có thêm công suất để đáp ứng nhu cầu của khách hàng hiện hữu, vừa tự chủ nguồn cung cấp hạt nhựa nguyên sinh cho các nhà máy hiện hữu. Nhờ vậy, sẽ tiết kiệm chi phí mua nguyên liệu bên ngoài và tăng thêm lợi nhuận cho Công ty.
Thêm vào đó, đặc điểm của hoạt động đầu tư là sau một thời gian, Công ty trả hết được nợ vay (sau 5 năm) và khấu hao xong máy móc thiết bị (10 năm) thì không còn phải chịu chi phí tài chính và chi phí khấu hao tài sản cố định. Theo đó, lợi nhuận của Công ty sẽ tăng thêm.
Tự tin trước áp lực cạnh tranh
Trả lời câu hỏi của nhà đầu tư về rủi ro cạnh tranh khi có đối thủ mới tham gia thị trường sợi tái chế, ông Hòa cho biết để sản xuất sợi tái chế ngoài việc đầu tư máy móc thiết bị, còn cần phải có nguồn cung nguyên liệu tái chế và khả năng được cấp chứng chỉ GRS (đây là chứng chỉ xác nhận việc doanh nghiệp đạt các tiêu chuẩn sản xuất sản phẩm sử dụng nguyên liệu tái chế, các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường và trách nhiệm với người lao động và xã hội). Ngoài ra, còn cần phải có các hoạt động marketing để tham gia chuỗi cung ứng nguyên liệu tái chế cho các thương hiệu thời trang hàng đầu. Các rào cản này sẽ kiến đối thủ mất thời gian và công sức thì mới gia nhập được mảng thị trường này.
STK đã ký hợp tác với một đối tác đầu ngành để sản xuất sợi tái chế, theo đó đối tác sẽ đảm bảo nguồn cung nguyên liệu tái chế còn STK sẽ đảm bảo việc sản xuất và bán hàng. Ông Hòa khá tự tin về sự bền vững của liên minh hợp tác này vì cả STK và đối tác đều đang rất có lợi trong dự án hợp tác này.
Chí Kiên
https://vietstock.vn/2019/04/dhdcd-stk-ke-hoach-nam-2019-co-phan-bao-thu-giai-doan-2020-2021-co-nhieu-du-an-lon-737-665568.htm