Ở vào thời điểm hiện tại, nhiều DN dệt may đã đàm phán xong đơn hàng cho 6 tháng đầu năm 2019 và đang gấp rút hoàn thành các đơn hàng đã ký trong năm 2018 để kịp giao đúng tiến độ cho đối tác.
Vượt kế hoạch năm 2018
Theo ông Phạm Xuân Hồng – Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP. Hồ Chí Minh (Agteck) – hoạt động kinh doanh, xuất khẩu dệt may của các DN trong năm 2018 rất tích cực. Ở thời điểm hiện tại, các DN đang gấp rút hoàn thành những đơn hàng đã ký để kịp thời giao cho đối tác. Đây là tín hiệu vui, cho thấy họ đã thích ứng tốt với sự biến động của kinh tế thị trường cũng như hướng tới phát triển bền vững ngành này.
Nhiều doanh nghiệp đã đàm phán xong đơn hàng năm 2019
Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Sợi Thế Kỷ (STK) – ông Đặng Triệu Hòa – cho biết, nhờ nỗ lực không ngừng phát triển khách hàng mới và thị trường mới nên trong 9 tháng năm 2018, thị trường nội địa của công ty tăng trưởng khoảng 13%; doanh thu xuất khẩu có thể chiếm khoảng 58-60% trong tổng doanh thu của công ty, cao hơn mức 56% của năm 2017 (cả năm 2018, STK dự kiến doanh thu bán hàng đạt khoảng 2.354 tỷ đồng). “Thị trường chuyển biến tích cực cùng với xu hướng sử dụng sợi tái chế (recycled yarn) ngày càng tăng của các nhãn hàng thời trang lớn đã đem lại cho STK lượng đặt hàng bùng nổ trong quý III và IV/2018” – ông Đặng Triệu Hòa chia sẻ. Đại diện Tổng công ty May 28 cũng cho biết, doanh thu cả năm 2018 dự kiến đạt 110% so với kế hoạch năm và tăng 120% so với thực hiện cùng kỳ 2017.
Dự báo tiếp tục tăng trưởng mạnh
Đánh giá lạc quan về triển vọng của ngành dệt may trong năm 2019, ông Phạm Xuân Hồng cho biết, đến thời điểm này nhiều DN trong ngành đã đàm phán, ký kết xong hợp đồng cho những tháng đầu tiên của năm 2019.
Ông Đặng Triệu Hòa cho rằng xuất khẩu dệt may của Việt Nam nói chung và của STK nói riêng trong năm 2019 sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh vì Việt Nam đang trở thành trung tâm xuất khẩu dệt may của thế giới. Các thương hiệu lớn đang đổ đơn hàng về Việt Nam nhằm hưởng các ưu đãi thuế quan mà Việt Nam đang và sẽ được hưởng theo các hiệp định thương mại. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng hấp dẫn hơn đối với các khách hàng nhờ năng lực cạnh tranh (về chất lượng, giá cả, dịch vụ) đang cải thiện so với Trung Quốc và tiềm năng hoàn chỉnh chuỗi cung ứng dệt may do dòng vốn đầu tư vào công nghiệp dệt nhuộm và nguyên phụ liệu đang tăng lên.
Ông Nguyễn Văn Cần – Đại diện Tổng công ty May 28 – chia sẻ, lượng đơn hàng của nhiều đơn vị, công ty con của May 28 đã đàm phán và ký xong đơn hàng cho 6 tháng đầu năm, thậm chí cả năm 2019.
Bên cạnh tín hiệu lạc quan từ thị trường, các DN trong ngành cũng đã có những chiến lược riêng để đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu cũng như doanh thu nội địa trong 2019. Ông Phạm Văn Trình – Tổng giám đốc Tổng công ty Phong Phú – cho biết, công ty vừa đầu tư hàng tỷ đồng để mở hai phòng trưng bày rộng hơn 1.200 m2 để giới thiệu các sản phẩm khăn bông và các sản phẩm jeans cao cấp (quần áo, vải denim và denim dệt kim). Còn với STK, ông Đặng Triệu Hòa cũng cho hay, dự kiến sẽ bán nhiều hơn ở thị trường nội địa, góp phần thúc đẩy sự phát triển của chuỗi cung ứng dệt may Việt Nam.
Các thương hiệu lớn của dệt may thế giới đang đổ đơn hàng về Việt Nam nhằm hưởng các ưu đãi thuế quan mà Việt Nam đang và sẽ được hưởng theo các hiệp định thương mại tự do.