Ngành dệt may đang đứng trước không ít thách thức khi nước ta gia nhập Hiệp định kinh tế đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), khó khăn lớn nhất là vấn đề tự chủ sản xuất nguồn nguyên phụ liệu. Đây là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà quả
Phụ thuộc nguyên phụ liệu
Bên lề Triển lãm Quốc tế công nghiệp ngành dệt may, thiết bị và nguyên phụ liệu – Saigon Tex 2016 được tổ chức tại TP.HCM thu hút hơn 1000 doanh nghiệp (DN) đến từ 24 quốc gia và vùng lãnh thổ, buổi tọa đàm “Tìm các giải pháp tăng cường chuỗi cung ứng Dệt May giữa các DN sản xuất nguyên phụ liệu và sản xuất kinh doanh hàng Dệt May khi gia nhập TPP” nhận được nhiều sự quan tâm của DN trong nước.
Số liệu tổng kết năm 2015 của Bộ Công thương cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng dệt may của Việt Nam như sợi, vải mành, xơ, hàng dệt may, vải kỹ thuật khác đạt 27,2 tỷ USD, chiếm 16,7% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa.
Trong khi đó, tỷ trọng nhập khẩu nguyên phụ liệu ngành dệt may lên đến 16,6 tỷ USD; với nhập khẩu xơ sợi các loại là 1,5 tỷ USD, vải là 10,2 tỷ USD, nguyên phụ liệu dệt may 3,2 tỷ USD, bông 1,6 tỷ USD.
Tham gia TPP, DN dệt may trong nước gặp nhiều khó khăn khi phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên phụ liệu ngoại nhập.
Nói về sức cạnh tranh, ông Nguyễn Văn Hùng – Tổng Giám đốc Tổng Công ty 28 cho hay, DN dệt may trong nước đa phần đều là DN có quy mô vừa và nhỏ, công nghệ hỗ trợ lạc hậu, mẫu mã không đa dạng, chất lượng chưa đáp ứng nhưng giá thành cao. Hiện DN dệt may trong nước đang phải nhập khẩu 60% nguyên liệu từ Trung Quốc.
Khó khăn cho các DN sản xuất vải và nguyên liệu cho may là phải đầu tư vốn khá lớn nhưng khả năng thu hồi chậm. Trong khi đó chuỗi cung ứng của DN có vốn đầu tư nước ngoài rất chặt chẽ, DN nội rất khó chen chân vào.
Bà Nguyễn Thị Điền - Tổng Giám đốc Công ty An Phước cho hay, sản phẩm của công ty phục vụ cho 60% nhu cầu trong nước, còn lại là xuất khẩu. Tuy nhiên, DN của bà lại đa phần nhập nguyên liệu từ nước ngoài, phụ liệu cũng mua của các DN có vốn đầu tư nước ngoài. Trong tương lai, DN sẽ có những giải pháp dần nội địa hóa nguồn nguyên phụ liệu để gia tăng cạnh tranh.
Đẩy mạnh hợp tác trong nước
Ông Nguyễn Văn Hùng cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam đã và đang gia nhập các hiệp định kinh tế lớn với thế giới, DN dệt may trong nước được đánh giá có nhiều thuận lợi, song cũng có không ít thách thức.
Về thực trạng phụ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu nước ngoài trong thời gian dài của DN dệt may trong nước, ông Hùng lý giải bởi đa số DN nước ta chủ yếu gia công hoặc sản xuất theo chỉ định của DN nước ngoài nên không chủ động được nguồn nguyên liệu sản xuất. Muốn cạnh tranh với các DN ngoại, chúng ta cần liên kết, hợp tác chặt chẽ hơn.
Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm nhận định, hoạt động sản xuất nguyên phụ liệu trong nước không hẳn đã yếu. Thống kê cho thấy trung bình mỗi năm DN trong nước sản xuất được khoảng 1,2 triệu tấn sợi; 1 tỷ mét vải. Nhưng điều trớ trêu là vải do DN trong nước sản xuất chủ yếu phục vụ cho xuất khẩu thì DN sản xuất hàng xuất khẩu lại đi nhập vài từ nước ngoài về. Đối với mặt hàng sợi cũng trong tình trạng tương tự, lượng xuất đi xấp xỉ lượng nhập về.
Để đáp ứng quy tắc về xuất xứ nguyên liệu đối với mặt hàng dệt may khi tham gia TPP, theo ông Nguyễn Văn Cẩm, DN trong nước cần có sự hợp tác chặt chẽ với nhau nhằm hạn chế tình trạng nhập khẩu, tăng khả năng cạnh tranh về giá. Bởi để đầu tư nhà máy sản xuất nguyên liệu thì DN phải bỏ ra hàng chục triệu USD, trong khi hầu hết DN dệt may trong nước có quy mô vừa và nhỏ.
Theo ông Nguyễn Đình Trường – Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, liên kết thành chuỗi là bước đi cần thiết và mang tính tất yếu. Thế nhưng, DN cần thực hiện theo lộ trình từng bước nâng dần lên, đồng thời liên kết chuỗi phải có sự ràng buộc, không chỉ vì tình cảm mà phải mang lại lợi ích kinh tế cho từng DN.
Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, nhằm cung cấp thêm thông tin và tạo cơ hội cho DN dệt may trong nước gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội đầu tư hợp tác, hiệp hội sẽ tổ chức thêm nhiều hội thảo, tọa đàm đi sâu vào từng ngành hàng cụ thể trong thời gian tới.