(ĐTCK) Trong 10 tháng đầu năm 2018, Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ (STK) đã ghi nhận 1.991 tỷ đồng doanh thu và 149,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 23,2% và 87,9% so với cùng kỳ năm 2017. Với kết quả khả quan này, Sợi Thế Kỷ hoàn toàn có thể đạt mục tiêu 168 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế cả năm 2018, tăng 69% so với năm 2017, thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) đã pha loãng đạt 2.376 đồng, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) cả năm là 17%.
Sợi Thế Kỷ cho biết, tính đến hết tháng 10, tỷ lệ sợi tái chế trên tổng doanh thu của Công ty là 13,6%; dự kiến tỷ lệ này sẽ đạt hơn 14% vượt kế hoạch đã đề ra.
Dự án Trảng Bàng 5 của Công ty đã hoàn tất khâu lắp đặt máy móc và đang trong quá trình chạy thử, Công ty sẽ ghi nhận doanh thu từ dự án trong quý I/2019, nâng công suất DTY lên thêm 3.300 tấn. Việc triển khai các dự án khác sẽ được Hội đồng quản trị và Ban Tổng giám đốc quyết định vào cuộc họp Hội đồng quản trị quý IV/2018.
Kim ngạch xuất khẩu toàn ngành dệt may năm 2018 dự báo sẽ đạt 36 tỷ USD, cao so với mục tiêu 34 tỷ USD đề ra cuối năm 2017.
Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Trung – Mỹ leo thang, Hiệp định thương mại CPTPP mà Việt Nam là một thành viên sẽ bắt đầu có hiệu lực vào cuối tháng 12, ngành dệt may nói chung và ngành sợi nói riêng trong năm 2019 hứa hẹn đón nhận nhiều cơ hội và xu hướng mới, mở đường cho Việt Nam vươn xa hơn trên thị trường thế giới.
Sợi Thế Kỷ như “ngư ông” gặp thời, do nhiều yếu tố quốc tế mà đơn hàng tăng trưởng liên tục.
Trong 9 tháng năm 2018, Sợi Thế Kỷ (STK) hưởng lợi từ giá bán bình quân tăng mạnh 19% kể từ đầu năm, nhờ sự phục hồi của giá sợi toàn cầu, cũng như xu hướng dịch chuyển sang phân khúc cao cấp – sợi tái chế. Hưởng lợi từ nhiều yếu tố vĩ mô, STK hào hứng dệt tăng trưởng khi doanh thu tiệm cận 1.780 tỉ đồng, tăng 24,4% và lợi nhuận sau thuế hơn 131 tỉ đồng, tăng 96,5% so với cùng kỳ. Không chỉ giá trị tuyệt đối tăng trưởng, lợi ích thẩm thấu đến nhà đầu tư STK cũng được cải thiện khi biên lợi nhuận gộp được nới rộng hơn 390 điểm cơ bản, đạt 14,3%.
Bức tranh vĩ mô nhiều hứng khởi
Theo ý kiến nhiều chuyên gia, bức tranh ngành dệt may đang lan tỏa với khá nhiều gam màu sáng. Những yếu tố vĩ mô hỗ trợ tích cực gồm có căng thẳng thương mại Mỹ – Trung kéo dài, việc điều chỉnh Hiệp định thương mại Việt Nam – EU (EVFTA) theo hướng có lợi cho Việt Nam và tác động ẩn ước của việc đồng USD mạnh dần lên, tập hợp lại thành sức mạnh kích cầu tiêu dùng sản phẩm Việt Nam. Theo đó, Hiệp hội Dệt may Việt Nam ước lượng kim ngạch xuất khẩu nửa cuối năm đạt 18,5 tỉ USD, nâng tổng kim ngạch cả năm đạt 35 tỉ USD, đồng nghĩa với tăng trưởng ít nhất 1 tỉ USD so với dự báo.
Ảnh: TL
Cụ thể hơn, ngày 24.9, Chính phủ Mỹ và Trung Quốc chính thức triển khai kế hoạch đánh thuế bổ sung đối với hàng hóa của nhau. Theo đó, Mỹ áp thêm thuế lên 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ mỗi năm và Bắc Kinh đáp trả bằng cách tăng thuế đối với 60 tỉ USD hàng Mỹ. Trong danh sách hàng hóa 200 tỉ USD bị áp thuế, Mỹ yêu cầu áp mức thuế quan bổ sung thêm 25% trên mức thuế hiện hữu với các mặt hàng dệt may gồm lụa, len hoặc sản phẩm lông động vật, bông (sợi, vải denim, vải satin), vải lanh, hàng dệt may nhân tạo, vải và các sản phẩm dệt may khác.
Thực tế, khi mức thuế quan được nâng lên với một nhóm hàng hóa của một quốc gia nào đó, sản phẩm chung nhóm hàng hóa của những quốc gia còn lại trở nên rẻ hơn, trong đó có sản phẩm dệt may Việt Nam. “Một lượng lớn đơn hàng sợi tổng hợp dự kiến sẽ chuyển sang Việt Nam”, báo cáo cập nhật tháng 10 của VNDirect nhận định.
Ngoài câu chuyện chiến tranh thương mại, một thực tế đáng chú ý là dòng vốn FDI đổ vào ngành dệt may ngày càng tăng, qua đó phản ánh vị thế hấp dẫn của Việt Nam khi là một cấu phần quan trọng trong các hiệp định thương mại như VKFTA, EVFTA, CPTPP… Theo đó, nhiều thương hiệu dệt may quốc tế đã và đang dịch chuyển đơn hàng may mặc sang Việt Nam để tận dụng lợi thế của những hiệp định thương mại tự do mang lại. STK cũng hưởng lợi không nhỏ khi đơn hàng tăng trưởng liên tục. Doanh thu 9 tháng đầu năm 2018 của STK là 1.780 tỉ đồng (tăng 24,4%) với kết cấu doanh thu gồm sợi xơ dài/sợi dún chiếm 1.300 tỉ đồng, sợi kéo hoàn toàn chiếm 214 tỉ đồng và sợi tái chế (được sản xuất từ hạt nhựa tái chế) chiếm 232 tỉ đồng (tăng trưởng doanh thu 160,9% so với cùng kỳ). Trong đó, tỉ trọng của sợi tái chế trong tổng doanh thu STK đang được nới rộng vì giá bán cao hơn sợi thường. Trong năm 2017 tỉ trọng này là 7% thì 9 tháng đầu năm 2018 tăng mạnh lên 13%.
Giá trị của Sợi Thế Kỷ
Có thể nói, giá trị của doanh nghiệp phần nhiều đến từ chiến lược kinh doanh phù hợp với những thay đổi của thị trường trong tương lai. Ban lãnh đạo STK từng thể hiện quan điểm tập trung vào yếu tố chất thay vì lượng để tăng thị phần. Trong đó, sợi tái chế được xem là nhóm sản phẩm chất lượng cao, phù hợp với xu hướng phát triển bền vững của khách hàng STK và đang được ưu tiên lựa chọn.
“Khách hàng mua sợi màu và sợi tái chế vẫn là những đối tác hiện hữu của Công ty. Họ hầu hết đang giảm tỉ lệ sợi nguyên sinh để chuyển sang các loại sợi trên nhằm hướng đến phát triển bền vững. Do đó, việc đầu tư này của chúng tôi cũng là cách đón đầu xu hướng”, ông Đặng Triệu Hòa, Chủ tịch STK, cho biết.
Chiến lược dịch chuyển dần sang sợi tái chế của STK được đánh giá là phù hợp. Theo nhận định của VNDirect, trong quý III/2018, STK tiếp tục chuyển hướng danh mục sản phẩm sang sản phẩm có giá trị gia tăng cao như sợi tái chế với biên lợi nhuận gộp khoảng 22% so với mức 11% của sợi thường. Sợi tái chế chiếm 13% trong tổng doanh thu 9 tháng năm 2018 của STK, tăng từ mức 7% của năm 2017. Giá bán bình quân tăng 19% so với cùng kỳ do sự phục hồi của giá sợi toàn cầu với mức tăng 10% kể từ đầu năm và nhờ chuyển hướng cơ cấu sản phẩm tập trung vào sợi tái chế với giá bán cao hơn sợi thường. Theo kế hoạch, Công ty hướng tới việc tăng tỉ trọng của sợi tái chế trong tổng doanh thu từ mức 14% năm 2018 lên 30% vào năm 2020.
Theo dự phóng năm 2018, VNDirect dự kiến doanh thu thuần của STK đạt 2.362 tỉ đồng (tăng 18,7%), lợi nhuận sau thuế đạt 166 tỉ đồng (tăng 66,4%). VNDirect cũng kỳ vọng sản lượng sợi tái chế sẽ tiếp tục tăng, đưa tỉ trọng của sợi tái chế trong doanh thu lên mức 14% vào cuối năm. Điều này sẽ giúp cho biên lợi nhuận gộp tăng thêm 160 điểm cơ bản so với mức dự phóng cũ và đạt 13,6%, nâng dự phóng lợi nhuận sau thuế của VNDirect thêm 22% lên 166 tỉ đồng.
Theo nhận định của VNDirect, tại mức P/E trung bình ngành 11,5x, giá mục tiêu của STK đạt 28.800 đồng/cổ phiếu. Trong 52 tuần qua, giá trần cổ phiếu đạt 23.500 đồng. Từ biên độ tháng 9.2018 đến cuối tháng 10.2018, cổ phiếu STK tăng từ mức 13.2500 đồng lên gần 20.000 đồng.
Tại buổi gặp mặt nhà đầu tư ngày 17/10, Ban lãnh đạo CTCP Sợi Thế Kỷ (HOSE: STK) đã có những trao đổi về tình hình hoạt động cũng như chiến lược hoạt động trong thời gian tới.
Ban lãnh đạo của STK trao đổi với nhà đầu tư về hoạt động kinh doanh và chiến lược trong thời gian tới.
Sợi tái chế, quân bài trước mắt
Nói về triển vọng của STK trong giai đoạn 2018 – 2020, Ban lãnh đạo Công ty cho biết trong ngắn hạn, dự án Trảng Bàng 5, các đơn hàng sợi tái chế và chiến lược tăng tỷ trọng các sản phẩm có giá trị gia tăng sẽ là động lực chính thúc đẩy hoạt động kinh doanh.
Cụ thể, ông Đặng Triệu Hòa – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc – cho biết Công ty đã triển khai kế hoạch đối với mảng sợi tái chế. Theo kế hoạch dự phóng, mảng này sẽ đóng góp 14% tỷ trọng doanh thu của STK trong năm 2018, 20% trong năm 2019, sang năm 2020 là 30%. Tại buổi gặp mặt, ông Hòa cho biết mảng sợi tái chế có khả năng chiếm hơn 20% doanh thu trong quý 4 năm nay. Với kế hoạch đặt ra, ông Hòa cho rằng STK sẽ đi sớm hơn so với kế hoạch khi các đơn hàng đã nhận xong. Tuy nhiên, ông Hòa cũng nói rằng việc nâng tỷ trọng của mảng sợi tái chế cần được trao đổi tại ĐHCĐ sắp tới của Công ty và được ĐHĐCĐ thông qua.
Ban lãnh đạo Công ty cũng trình bày, hiện nhiều doanh nghiệp sản xuất lớn trên thế giới đang có cam kết về tỷ trọng sử dụng sợi tái chế. Trong đó, Nike cam kết tỷ trọng 45% từ năm 2017; Adidas cam kết tới năm 2022 sẽ dùng tỷ trọng 95%; Puma đặt mục tiêu 50% cho năm 2020 và H&M đặt mục tiêu 100% đến năm 2030.
Về phần Dự án Trảng Bàng 5, bà Nguyễn Phương Chi – Giám đốc chiến lược của STK – cho biết dự án đã được giải ngân 80%, dự kiến sẽ giải ngân hết vào cuối năm nay và đưa vào hoạt động vào đầu năm 2019. Bà Chi cũng cho biết nhà máy được trang bị dây chuyền tái chế sợi phế thành hạt nhựa và sợi tái chế. Dự án này sẽ là một trong những động lực tăng trưởng chính của STK giai đoạn 2018-2010.
Xa hơn là sợi màu và sợi chập
Trong trung và dài hạn, STK đặt kỳ vọng vào các dự án sợi màu, sợi chập cùng với dự án Polymerization.
Ông Hòa cho biết hiện tại, Công ty không cần tăng vốn để phát triển sợi màu vì nguồn lực nội tại đã đủ. Hơn nữa, để sản xuất được sợi màu, Công ty chỉ cần trang bị thêm thiết bị pha màu cho dây chuyền đã có sẵn. Thời gian đầu, STK sẽ dùng 1 – 2 máy gắn thiết bị để chạy sợi màu, sau đó sẽ mở rộng ra. Vốn đầu tư chỉ vài trăm ngàn USD cho máy lẻ. Trong 6 tháng đầu năm 2019, STK sẽ đủ khả năng đưa sợi màu vào thị trường.
Về phần sợi chập, Ban lãnh đạo cho biết Công ty đang hợp tác với một đối tác lớn của Mỹ chuyển cung cấp vải cho một thương hiệu sản xuất giày lớn. Do đó, cần thời gian để trao đổi với đối tác để chốt giá, thời hạn hợp đồng kéo dài nên chưa đem lại nguồn lợi ngay lập tức.
Ban lãnh đạo cũng tiết lộ số liệu kết quả kinh doanh quý 3/2018, theo đó, doanh thu thuần đạt 589 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế gần 51.5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 46.7 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận sau thuế đạt 151.3 tỷ đồng, vượt kế hoạch năm 5%.
Với kết quả trên, Ban lãnh đạo STK tin rằng Công ty sẽ vượt kế hoạch năm khoảng 25%, nhất là mặt hàng sợi tái chế đang có chiều hướng tăng tỷ trọng, kéo theo lợi nhuận tăng cao.
Về cổ phiếu STK, Ban lãnh đạo Công ty cho rằng kết quả hoạt động kinh doanh tốt kết hợp với hoạt động quan hệ nhà đầu tư, truyền thông báo chí, hy vọng cổ phiếu sẽ có thanh khoản lớn hơn. Gần đây, giá cổ phiếu STK đang tăng điểm tích cực, mở cửa ngày 18/10 ở mức 18,500 đồng/cp, tăng hơn 34% trong tháng qua. Khối lượng giao dich bình quân trong tháng đạt trên 104,000 cp/phiên.
Câu chuyện chuyển dịch chuỗi cung ứng
Một điểm nóng tại buổi gặp mặt là triển vọng của ngành dệt may trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ – Trung.
Ông Hòa cho biết việc Mỹ đánh thuế sợi DTY và FDY của Trung Quốc sẽ làm chuyển dịch khách hàng từ Trung Quốc sang các thị trường khác, trong đó có Việt Nam. Đây là cơ hội lớn đối với STK, Công ty chắc chắn sẽ hưởng lợi, dù là trực tiếp hay gián tiếp. Ông Hòa cũng tiết lộ thêm, Công ty đang tiếp các đối tác thử hàng để có thể kịp xuất hàng vào đầu năm 2019. Đặc biệt , mặt hàng sợi dùng cho vải sản xuất ô tô đang là thế mạnh của Công ty.
Ông Hòa cũng cho biết “Điểm quan trọng là chuỗi cung ứng đang dịch chuyển. Với việc Việt Nam có ưu thế về công nghiệp may mặc thì chắc chắn trong tương lai, ngành công nghiệp dệt, vải sẽ chuyển dịch về Việt Nam, kéo theo đó là ngành sợi.” Theo đó, chuỗi cung ứng dịch chuyển sẽ đẩy mạnh hoạt động sản xuất sợi tại Việt Nam.
Công bố các doanh nghiệp vào Chung khảo Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết 2018
(ĐTCK) Như Ban Tổ chức đã công bố, năm 2018, Sở GDCK TP.HCM, Sở GDCK Hà Nội cùng Báo Đầu tư Chứng khoán sẽ phối hợp tổ chức “Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết 2018 với sự tài trợ của Dragon Capital.
Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết (Vietnam Listed Company Awards) là sự mở rộng từ Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên (Vietnam Annual Report Awards) – sự kiện đồng hành cùng TTCK Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp niêm yết trong suốt 10 năm qua.
Sau 4 tháng chấm sơ khảo, Ban tổ chức chính thức công bố danh sách các doanh nghiệp lọt vào vòng chung khảo Cuộc bình chọn năm nay.
Ở hạng mục báo cáo thường niên (BCTN), có 90 doanh nghiệp có BCTN tốt nhất được bình chọn vào vòng chung khảo (xem danh sách bên dưới, được xếp theo ABC).
Điểm mới của cuộc bình chọn năm nay là phân bảng các doanh nghiệp theo quy mô vốn hóa để bình chọn. 30 doanh nghiệp có BCTN đạt điểm cao nhất tại vòng sơ khảo ở mỗi bảng xếp hạng được lựa chọn vào vòng chung khảo.
Việc chấm điểm BCTN ở vòng sơ khảo được thực hiện bởi hai Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM và Hà Nội. Kết quả sơ khảo sau đó được soát xét bởi 4 công ty kiểm toán hàng đầu (Big 4) là Deloitte, Ernst & Young, KPMG và PwC nhằm đảm bảo tính chính xác, khách quan và chuyên sâu trong việc xét chọn.
Quy trình làm việc của các bên tham gia chấm sơ khảo rất chặt chẽ, các nội dung chấm BCTN được chi tiết hóa để các bên chấm độc lập, sau đó có sự trao đổi trực tiếp để thống nhất về các nội dung chấm ở các báo cáo có sự khác biệt về điểm số.
Các công ty kiểm toán có soát xét chéo kết quả chấm các BCTN. Ở hạng mục báo cáo quản trị công ty, có 60 doanh nghiệp có nội dung báo cáo quản trị công ty tốt nhất được chọn vào vòng chung khảo, phân theo từng nhóm vốn hóa, mỗi nhóm 20 doanh nghiệp (xem danh sách bên dưới, được xếp theo ABC).
Điểm đặc biệt đáng chú ý là năm nay, lần đầu tiên, bộ tiêu chí đánh giá quản trị công ty được Ban tổ chức xây dựng dựa trên nguyên tắc QTCT của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), với các câu hỏi có điều chỉnh cho phù hợp với các quy định hiện hành về quản trị công ty và tình hình thực tế của doanh nghiệp Việt Nam.
Thực hiện chấm nội dung này ở vòng sơ khảo là nhóm chuyên gia độc lập đến từ Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo, Trường Đại học Bách khoa TP.HCM, đơn vị đã trực tiếp tham gia khảo sát đánh giá thẻ điểm Quản trị công ty ASEAN tại Việt Nam trong nhiều năm. Nội dung đánh giá quản trị công ty không chỉ dựa trên BCTN mà còn đánh giá các nguồn công bố thông tin chính thống khác của doanh nghiệp niêm yết như trang web, các công bố thông tin định kỳ.
Kết quả chấm sơ khảo sau đó được soát xét bởi Big 4 trước khi được chọn lọc để đưa vào vòng chấm chung khảo. Kết quả chấm báo cáo quản trị công ty của cuộc bình chọn doanh nghiệp niêm yết năm nay sẽ đưa ra nhiều khuyến cáo bổ ích với doanh nghiệp và là cơ sở để thúc đẩy nâng cao chất lượng quản trị công ty thông qua đánh giá định kỳ hàng năm.
Ở hạng mục báo cáo phát triển bền vững, những doanh nghiệp có BCTN lọt vào vòng chung khảo sẽ được xem xét chấm điểm báo cáo phát triển bền vững ở vòng chung khảo. Nội dung chấm báo cáo này sẽ được thực hiện bởi các chuyên gia đến từ Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh (ACCA).
Cuộc bình chọn chấm điểm toàn bộ các doanh nghiệp niêm yết trên 2 Sở GDCK, thuộc rổ chỉ số VNX Alllshare và được chia thành 3 nhóm theo quy mô vốn hóa thị trường (lớn, vừa và nhỏ) nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp quy mô vốn hóa vừa và nhỏ tham gia cạnh tranh giải và có cơ hội được tôn vinh.
Hội đồng bình chọn sẽ bắt đầu chấm chung khảo vào ngày 2/10/2018. Danh sách các doanh nghiệp niêm yết tiêu biểu có BCTN, báo cáo quản trị công ty và báo cáo phát triển bền vững tốt nhất năm 2018 sẽ được công bố và vinh danh vào ngày 2/11/2018 tại TP.HCM.
(ĐTCK) Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ (STK) được dự báo sẽ nằm trong danh sách những doanh nghiệp sớm về đích kế hoạch kinh doanh năm 2018. Trong 8 tháng đầu năm, STK đạt doanh thu bán hàng hơn 1.500 tỷ đồng, tăng 27,7%; lợi nhuận sau thuế khoảng 120 tỷ đồng, tăng 122,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thị trường chuyển biến tích cực cùng với xu hướng sử dụng sợi tái chế (recycled yarn) ngày càng tăng của các nhãn hàng thời trang lớn đã đem lại cho STK lượng đặt hàng bùng nổ trong quý III và IV/2018.
Về yếu tố nội tại của doanh nghiệp, STK không ngừng nâng cao chất lượng và cải tiến cơ cấu sản phẩm nhằm gia tăng giá bán và vị thế cạnh tranh trong nước và trên thế giới, cũng như tối ưu hóa chi phí sản xuất và giá thành.
Theo STK, khoản dự phòng chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện có thể vượt so với kế hoạch (với giả định tỷ giá có thể tăng 3% so với đầu năm), Công ty vẫn lạc quan về kết quả kinh doanh năm 2018. Cụ thể, doanh thu bán hàng dự kiến đạt kế hoạch (khoảng 2.354 tỷ đồng) và lợi nhuận sau thuế vượt kế hoạch (125,85 tỷ đồng) khoảng 27%, đạt gần 160 tỷ đồng.
(ĐTCK) 6 tháng đầu năm 2018, doanh thu mảng sợi tái chế của Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ (STK) đạt hơn 129 tỷ đồng, bằng 38% kế hoạch doanh thu mảng này, nhưng nhờ giá bán tốt nên Công ty hoàn thành 67% kế hoạch lợi nhuận sợi tái chế cả năm. Hai tháng kế tiếp, doanh số bán sợi tái chế tiếp tục tăng mạnh.
Nửa đầu năm, ngành dệt may Việt Nam ghi nhận tăng trưởng cao, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 16,5 tỷ USD, tăng 16,49% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đa số doanh nghiệp trong ngành ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan. Với STK, Công ty đạt doanh thu 1.191 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 84 tỷ đồng.
Với nỗ lực khai thai thác xu hướng “green fashion” (thời trang “xanh”), đặc biệt là các thương hiệu thời trang lớn, doanh số bán sợi recycle của STK trong tháng 7 và 8/2018 tăng mạnh.
Lũy kế 8 tháng đầu năm, doanh thu mảng sợi tái chế đạt gần 198 tỷ đồng, tăng 43% so với nửa đầu năm và bằng 59% kế hoạch doanh thu mảng sợi tái chế cả năm 2018.
Với xu thế hiện nay, STK dự báo, nhu cầu về sợi recycled sẽ bùng nổ trong quý IV/2018 (mùa cao điểm khi các hãng hàng hiệu đặt hàng cho mùa thu – đông) và Công ty sẽ đạt kế hoạch doanh số, doanh thu năm 2018 cho mặt hàng này.
Theo STK, mặc dù có khả năng phải trích lập dự phòng lỗ tỷ giá chưa thực hiện nhiều hơn so với kế hoạch ban đầu (do tỷ giá USD/VND có nhiều biến động trong năm nay), Công ty vẫn dự báo kết quả kinh doanh 6 tháng cuối năm 2018 sẽ tích cực và có thể vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm.
CTCP Sợi Thế Kỷ (HOSE: STK) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2018 với doanh thu chỉ tăng 28% nhưng lợi nhuận sau thuế tăng gần 80% lên mức 43 tỷ đồng.
Trong quý 2/2018, doanh thu thuần của STK đạt mức 603 tỷ đồng, tăng 28% so cùng kỳ 2018. Lợi nhuận gộp ghi nhận hơn 85 tỷ đồng, tăng mạnh hơn 65% so cùng kỳ. Kỳ này hoạt động tài chính ghi âm tới 14 tỷ đồng trong khi cùng kỳ chỉ 4 tỷ đồng chủ yếu do lỗ chênh lệch tỷ giá. Sau khi trừ các loại chi phí khác, STK lãi ròng hơn 43 tỷ đồng, tăng mạnh 80% so mức 24 tỷ của cùng kỳ.
Theo giải trình của STK, doanh thu thuần tăng 28% do doanh số chỉ tăng 8% nhờ thị trường thuận lợi hơn cùng kỳ. Mặt khác, giá bán tăng 20% làm cho tỷ trọng lợi nhuận gộp tăng 65.8%. Trong khi đó, các khoản chi phí bán hàng và chi phí quản lý có phát sinh tăng so với cùng kỳ nhưng tốc độ tăng thấp hơn tốc độ tăng của doanh thu. Nhờ sự cải thiện đáng kể trong lợi nhuận của hoạt động kinh doanh nên mặc dù lỗ tỷ giá tăng mạnh so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận trước và sau thuế tăng lần lượt là 90.5% và 80%.
Kết quả kinh doanh quý 2/2018 và 6 tháng đầu năm của STK
Lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần đạt 1,192 tỷ đồng, tăng gần 30% so cùng kỳ 2017. Lãi ròng ở mức 83 tỷ đồng, cũng tăng mạnh 69% so cùng kỳ.
Theo kế hoạch, năm 2018 STK đặt mục tiêu tổng doanh thu 2,354 tỷ đồng, tăng 18% so năm 2017 và lợi nhuận sau thuế gần 126 tỷ đồng, tăng 26%. Như vậy, 6 tháng đầu năm, doanh thu của STK đạt gần 51% kế hoạch, lợi nhuận sau thuế bằng 66% kế hoạch.
Doanh nhân Đặng Triệu Hòa: Không phiêu lưu, doanh nhân chỉ có thể là nhà quản trị đơn thuần
Ông Đặng Triệu Hòa, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ có đầy đủ phẩm chất của một doanh nhân thành đạt, với khả năng vạch ra các chiến lược dài hạn, từ “mở cửa” đón cổ đông; chuẩn bị nguồn lực, nắm bắt cơ hội; đến phát triển sản phẩm, chinh phục khách hàng; và cả sự phiêu lưu mà ông cho rằng, nếu thiếu nó, doanh nhân chỉ có thể là nhà quản trị đơn thuần.
Đóng “con tàu” đủ lớn và vững chắc
Nếu tìm kiếm thông tin về những doanh nhân gốc Hoa có tầm ảnh hưởng đến một hoặc nhiều ngành tại thị trường nội địa, có lẽ cái tên Đặng Triệu Hòa chưa được nhắc đến nhiều.
“Mặc dù là người gốc Hoa, nhưng tôi lớn lên ở Việt Nam. Tôi là người Việt Nam và đây là quê hương tôi”, Chủ tịch Sợi Thế Kỷ tự hào.
Doanh nhân Đặng Triệu Hòa
Ông Hòa là người gây dựng và nắm quyền điều hành Sợi Thế Kỷ từ ngày đầu thành lập. Gần 2 thập kỷ trôi qua, đến nay, Sợi Thế Kỷ tự tin đủ khả năng cạnh tranh với các tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực sợi dài phân khúc cao cấp. Sợi Thế Kỷ hiện là doanh nghiệp xuất khẩu sợi dài lớn thứ 2 của Việt Nam, chiếm 28% giá trị xuất khẩu sợi dài của cả nước năm 2017.
Ông gắn bó với ngành sợi từ khi 22 tuổi, trải qua nhiều vị trí, từ nhân viên kinh doanh sợi, đến trưởng phòng, rồi phó giám đốc tại một công ty nước ngoài. Quá trình này đã góp phần hình thành trong ông một hệ thống kiến thức cơ bản về công việc sản xuất cũng như khả năng đánh giá về tiềm năng phát triển của ngành.
Tuy nhiên, do sự thay đổi về cổ đông lớn từ phía công ty mẹ ở Đài Loan, công ty ông Hòa làm việc lúc đó cũng bị ảnh hưởng. Nửa năm sau đó, ông quyết định nghỉ việc để lập công ty riêng.
Sau hơn 8 năm làm thương mại, ông Đặng Triệu Hòa quyết định mở rộng sang lĩnh vực sản xuất với việc thành lập Công ty TNHH Sản xuất thương mại Sợi Thế Kỷ vào năm 2000.
5 năm sau đó, người sáng lập Sợi Thế Kỷ đã kêu gọi góp vốn từ nhiều cổ đông khác để thành lập công ty cổ phần.
Có thể thấy, từ 13 năm trước, khi cuộc cạnh tranh trong ngành sợi chưa gay gắt, ông Hòa đã mường tượng đến việc phải “đóng một con tàu đủ lớn và vững chắc, chuẩn bị nắm bắt cơ hội tăng trưởng của thị trường”. Ông chia sẻ, để có thêm sự đóng góp về kinh nghiệm quản trị và dòng vốn đầu tư cho nhân sự, công nghệ, thì việc “mở cửa” đón cổ đông chính là phương án tối ưu nhất.
Cứ như thế, từ năm 2005, vốn điều lệ của Sợi Thế Kỷ tăng đều đặn từ 50 tỷ đồng lên gần 600 tỷ đồng (tính đến cuối năm 2017), sau 15 lần phát hành. Từ việc sở hữu nhà máy kéo sợi có công suất 4.800 tấn/năm, Sợi Thế Kỷ nâng năng lực sản xuất lên hơn 12 lần, ở mức 60.000 tấn/năm, tạm đủ sản phẩm cung cấp thẳng đến các công ty dệt, cung cấp sản phẩm cao cấp cho hàng loạt nhãn hàng quốc tế như H&M, Nike, Adidas, The North Face, Under Armour, Uniqlo… hay trở thành đối tác của Unifi…
Tuy nhiên, ông Hòa khẳng định, Sợi Thế Kỷ chưa từng muốn có được một khách hàng nào lớn tới mức, nếu họ không tiếp tục hợp tác, doanh nghiệp sẽ lâm vào cảnh lao đao.
“Sẽ có người cho rằng mức tăng trưởng 20 – 30%/năm của Sợi Thế Kỷ là chậm, nhưng quan điểm của tôi là, nếu chỉ tăng trưởng dựa vào số lượng mà không chú trọng chất lượng và nâng giá trị gia tăng, thì rủi ro rất cao. Sợi Thế Kỷ hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, nên không thể cứ liên tục mở rộng nhà máy mà không nghiên cứu, phát triển sản phẩm tiên phong và khác biệt”, ông Hòa thẳng thắn.
Tăng ga, đổi hướng
Việc trở thành công ty đại chúng từ năm 2014 đã mang lại cho Sợi Thế Kỷ một sắc màu mới. Phát hành thành công 3 triệu cổ phiếu, thu về 75 tỷ đồng, góp phần vào mở rộng dự án Trảng Bàng giai đoạn III. Dù là công ty gia đình khi 3 thành viên sáng lập Hội đồng Quản trị vẫn nắm gần 31% vốn điều lệ, nhưng Sợi Thế Kỷ đã có sự tham gia của nhà đầu tư lớn ở giai đoạn đầu là Red River Holding với 25,1% vốn điều lệ. Sau khi quỹ này thoái vốn, Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư Hướng Việt và Vietnam Holding Limited đã thay thế và đang nắm số cổ phần tương ứng là 20,2% và 7,6% tại Sợi Thế Kỷ.
Nhưng, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể chủ động miễn dịch với sai lầm. Sợi Thế Kỷ bước vào thời kỳ khủng hoảng suốt hai năm sau đó. Bắt đầu từ tháng 5/2015, Thổ Nhĩ Kỳ, thị trường chính của Sợi Thế Kỷ, khởi xướng vụ kiện chống bán phá giá các sản phẩm sợi dài từ Việt Nam.
Chủ tịch Sợi Thế Kỷ dũng cảm thừa nhận, đó là lỗi của mình. “Đúng là tôi có phần chủ quan, vì không nghĩ vụ khởi kiện đến sớm hơn dự kiến 1 – 2 năm. Đây là kinh nghiệm quý báu cho tôi và Công ty. Đó là phải dự báo được những yếu tố rủi ro và có phương án phòng bị để hạn chế các cú sốc đối với hoạt động kinh doanh”, ông Hòa trải lòng khi nhìn lại giai đoạn khó khăn của Sợi Thế Kỷ.
Khi đó, “người cầm lái” ở Sợi Thế Kỷ có 2 việc phải làm. Một là, thuê luật sư theo đuổi vụ kiện đến cùng để bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp. Hai là, tăng tốc thực hiện chiến lược khai thác thị trường mới thay thế cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Sợi Thế Kỷ đã bỏ ra không dưới 80.000 USD để thuê luật sư khởi kiện, đồng thời tích cực xúc tiến thương mại tại Nhật Bản và Hàn Quốc, tìm hiểu nhu cầu sử dụng sợi của khách hàng tại hai thị trường này và mời họ dùng thử hàng mẫu.
Ông Hòa cho biết, các khách hàng Nhật Bản, Hàn Quốc rất thận trọng với việc chuyển đổi sang nhà cung ứng mới. Thậm chí, có đối tác từ Nhật Bản dành 2 – 3 năm với hơn 20 chuyến thăm để tìm hiểu về Sợi Thế Kỷ mà không thực hiện bất cứ đơn đặt hàng nào trong suốt quá trình đó.
Vị Chủ tịch này có khả năng vạch ra các chiến lược có tầm nhìn dài hạn, nhờ đó không chỉ đưa Sợi Thế Kỷ vượt qua khủng hoảng, mà còn đứng đầu trong danh sách 4 công ty xuất khẩu sợi lớn nhất của Việt Nam sang Nhật Bản. Năm 2017, giá trị và sản lượng xuất khẩu sợi của Công ty sang Nhật Bản đạt mức tăng trưởng ấn tượng, với mức tăng lần lượt là 737% và 850% so với năm 2016.
“Nhân tố bí ẩn” kế nhiệm
Sợi Thế Kỷ không có “quyền lực cứng” hay “quyền lực mềm” nào để hút các đơn hàng sợi dài từ các đối tác danh tiếng, ngoài việc tập trung cải tiến, nghiên cứu mẫu mã, chào bán những mặt hàng chất lượng, giá cả cạnh tranh và mang đến sự hài lòng cho khách hàng trong các dịch vụ.
Ông Đặng Triệu Hòa vừa có một buổi trao đổi riêng với giám đốc cấp cao của một đối tác Nhật Bản và đặt câu hỏi, tại sao họ phải tốn nhiều thời gian để bắt đầu giao dịch với một đối tác, nhà cung ứng mới như Sợi Thế Kỷ.
“Câu trả lời tôi nhận được là, một phần, họ muốn có nguồn cung ở các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, thay vì tập trung quá nhiều vào Trung Quốc. Mặt khác, họ quan niệm rằng, để có một đối tác bền vững, đáng tin cậy trong kinh doanh suốt 20 – 30 năm, thì việc dành nhiều chi phí và thời gian để tìm hiểu không phải là lãng phí. Bởi, quá trình này sẽ bộc lộ các nhà cung ứng, đối tác có thực sự lành mạnh về tài chính, phát triển bền vững và có tính kiên trì, có năng lực cung ứng hay không”, ông Hòa kể lại một cách tường tận.
Ông không quên nhấn mạnh, niềm tin trong trường hợp này là điều vô cùng quan trọng. Khách hàng chỉ quyết định mua khi nhu cầu được xác định rõ ràng, mối quan hệ tin cậy được tạo dựng và giá trị thương hiệu của nhà cung cấp được chứng minh.
“Chúng tôi trả lời email của khách hàng chỉ trong 1 phút, và tận dụng mọi ứng dụng như WhatApps, Viber… để xử lý công việc theo nhiều cách nhanh nhất có thể”, Chủ tịch Sợi Thế Kỷ tự hào.
Việc nhận đơn đặt hàng dài hạn có thể là bước đi thông minh đón đầu các khả năng nguyên liệu giảm giá, nhưng cũng có thể là “nước cờ” sai lầm tai hại được thực hiện khi yếu tố quyết định phần lớn giá thành sản phẩm đang ở mức cao nhất.
Là một trong 2 doanh nghiệp nắm giữ quyền quyết định giá sản phẩm sợi dài tại thị trường nội địa, nhưng ông Hòa quả quyết, “mình không được phép lời quá cao, vì khi đó, khách hàng của mình sẽ bị thiệt hại”.
Doanh nghiệp có kế hoạch doanh thu năm 2018 khoảng 2.354 tỷ đồng và lợi nhuận 125,8 tỷ đồng này chuẩn bị có người kế nhiệm một trong hai vị trí mà ông Hòa đang đảm nhận. Đến nay, đã có 2 ứng viên, cả trong và ngoài Sợi Thế Kỷ, phù hợp cho “chiếc ghế” trên. Ông Hòa cho biết, ông thích “nhân tố bí ẩn” này giữ vai trò Tổng giám đốc hơn là Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Ông Hòa chia sẻ, chơi một ván cờ tướng, đi bơi hoặc nghe vài bản nhạc mỗi khi rảnh rỗi giúp ông nhận ra rằng, thế giới này rộng lớn hơn “vương quốc” công việc mà ông đang đắm mình trong đó. Ông bảo: “Có lẽ, lãng mạn là phiêu lưu, nhưng doanh nhân mà không phiêu lưu thì chỉ có thể là một nhà quản trị đơn thuần”.