Năm 2017 số lượng doanh nghiệp niêm yết tuân thủ đúng và đầy đủ về nghĩa vụ công bố thông tin trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự sụt giảm. Điều gì đã khiến tỷ lệ vi phạm của các doanh nghiệp gia tăng? Đâu là nhóm doanh nghiệp công bố thông tin tốt nhất thị trường? Đâu là các lỗi mà doanh nghiệp hay vi phạm?
Công bố thông tin (CBTT) là nghĩa vụ bắt buộc đối với tất cả các doanh nghiệp niêm yết (DNNY) trên hai sàn chứng khoán Việt Nam. Đây không chỉ là nghĩa vụ mà còn là trách nhiệm của các doanh nghiệp niêm yết với cộng đồng nhà đầu tư nói chung và các cổ đông nói riêng.
Năm 2017, Vietstock cùng kết hợp với Báo Tài chính và Cuộc sống (FiLi) thực hiện cuộc khảo sát toàn diện về mức độ tuân thủ đúng và đầy đủ về nghĩa vụ công bố thông tin trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Kỳ khảo sát năm nay tương ứng với giai đoạn 01/07/2016-30/06/2017, các chuẩn mực của cuộc khảo sát được áp dụng theo quy định trong Thông tư 155/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.
Chỉ còn 114 DNNY đạt chuẩn công bố thông tin
Kết quả cuộc khảo sát cho thấy, số lượng doanh nghiệp tuân thủ đúng và đầy đủ về nghĩa vụ CBTT trên cả hai sàn chứng khoán (HOSE và HNX) là 114 doanh nghiệp trong tổng số 672 doanh nghiệp niêm yết (DNNY) thuộc danh sách khảo sát, tương ứng với tỷ lệ 16.69%.
DNNY ĐẠT CHUẨN CÔNG BỐ THÔNG TIN 2012-2017 Nguồn: Vietstock & FiLi |
Qua đồ thị trên có thể thấy, số lượng và tỷ trọng các doanh nghiệp hoàn thành đúng và đầy đủ nghĩa vụ CBTT năm 2017 đã có sự sụt giảm nhẹ so với năm 2016. Với các yêu cầu công bố thông tin khắt khe hơn của Thông tư 155/2016/TT-BTC so với Thông tư 52/2012/TT-BTC thì số lượng và tỷ lệ các doanh nghiệp đạt chuẩn công bố thông tin năm 2017 sụt giảm là điều có thể hiểu được.
114 DOANH NGHIỆP NIÊM YẾT ĐẠT CHUẨN CÔNG BỐ THÔNG TIN 2017 Nguồn: Vietstock & FiLi |
Bên cạnh các thống kê liên quan đến hoạt động công bố thông tin, cuộc khảo sát cũng cho thấy nhiều điều thú vị. Đó là các doanh nghiệp niêm yết đạt chuẩn công bố thông tin năm 2017 là những doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh vượt trội so với phần còn lại. Sức hút của nhóm cổ phiếu này với cộng đồng đầu tư cũng cao hơn rất nhiều.
Xem thêm thông tin chi tiết cuộc khảo sát tại Báo cáo khảo sát công bố thông tin trên thị trường chứng khoán Việt Nam 2017.
Đơn vị khảo sát
Hiệp hội Các nhà Quản trị Tài chính Việt Nam (VAFE) (http://vafe.org.vn) là tổ chức xã hội – nghề nghiệp của các tổ chức, công dân Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực tài chính và quản trị tài chính. Hiệp hội hướng đến góp phần thúc đẩy, hỗ trợ việc xây dựng và phát triển lĩnh vực quản trị tài chính, ứng dụng các quy tắc quản trị vào các quyết định tài chính nhằm đưa đến các quyết định sử dụng và phân bổ nguồn lực tài chính một cách hiệu quả nhất từ phạm vi quản trị tài chính công, quản trị tài chính cho tổ chức hay doanh nghiệp, đến quản trị tài chính cho gia đình và mỗi cá nhân.
Vietstock là đơn vị tiên phong trong nhiều khía cạnh của lĩnh vực tài chính tại Việt Nam, từ tư vấn quan hệ nhà đầu tư (Investor Relations – IR); cung cấp thông tin, dữ liệu số hóa và diễn đàn tài chính – chứng khoán; phát triển các công cụ chuyên sâu về đầu tư trên nền web và ứng dụng phần mềm; phân tích và đào tạo phân tích kỹ thuật trong đầu tư; đến xuất bản các ấn phẩm như Phân tích Kỹ thuật từ A đến Z, Vai trò của Quan hệ Nhà đầu tư (IR) trong việc Tối đa hóa Giá trị Doanh nghiệp, Niên giám Doanh nghiệp Niêm yết.
Tài chính và Cuộc sống điện tử (http://FiLi.vn): Báo Tài chính và Cuộc sống (FiLi) là cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Các nhà Quản trị Tài chính Việt Nam./.
Nguồn: https://vietstock.vn/2017/09/chi-co-114-dnny-dat-chuan-cong-bo-thong-tin-nam-2017-830-557222.htm