Theo The Loadstar (Anh), doanh nghiệp Hoa Kỳ đã kêu gọi Chính phủ quốc gia này không áp thuế quan lên hàng hóa Việt Nam như đã áp lên hàng hóa Trung Quốc.
Lời kêu gọi được đưa ra sau hai cuộc điều tra về tỷ giá và ngành gỗ của Việt Nam do Văn phòng Đại diện thương mại Hoa Kỳ (USTR) thực hiện.
Các cuộc điều tra Mục 301 của USTR có cơ chế tương tự như cơ chế Hoa Kỳ đã sử dụng để áp thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc, khiến một số doanh nghiệp Hoa Kỳ lo ngại rằng Chính phủ nước này sẽ đánh thuế hàng hóa Việt Nam tương tự như đã làm đối với Trung Quốc.
Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia (NRF) đã kêu gọi Chính phủ Hoa Kỳ không áp thuế quan lên hàng Việt Nam và cần thắt chặt quan hệ với Việt Nam. “Điều quan trọng là mối quan hệ này không chỉ duy trì mà còn cần tiếp tục được mở rộng khi nền kinh tế toàn cầu hồi phục”, ông David French, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách quan hệ chính phủ của NRF nhấn mạnh.
Đại diện NRF cho hay: “Khi các doanh nghiệp Hoa Kỳ vẫn tiếp tục đối mặt với khó khăn kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra, các mức thuế mới đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam sẽ đặt ra những thách thức lớn hơn đối với doanh nghiệp Hoa Kỳ, dẫn đến chi phí cao hơn đối với người tiêu dùng”.
NRFdự báo nếu Chính phủ Hoa Kỳ áp thuế quan mới lên hàng hóa Việt Nam, người tiêu dùng Hoa Kỳ sẽ chịu thiệt hại 4-9 tỷ USD mỗi năm.
Ông David khẳng định: “Nhiều công ty chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang Việt Nam do thuế quan mà Hoa Kỳ áp lên hàng hóa Trung Quốc. Áp thuế lên hàng hóa từ Việt Nam sẽ gây thiệt hại cho những công ty này và có thể dẫn tới việc họ chuyển sản xuất trở lại Trung Quốc”.
Theo tờ South China Morning Post, dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc là một yếu tố giúp xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ tăng mạnh trong những năm gần đây. Điển hình, thặng dư thương mại của Việt Nam với Hoa Kỳ trong tháng 10/2020 đã tăng 180% so với cùng kỳ năm 2016. Trong 11 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ tăng gần 25%, đạt 69 tỷ USD.
Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Hà Nội cho biết Việt Nam đã trở thành một trong những thị trường xuất khẩu tăng trưởng mạnh nhất của Hoa Kỳ, với cơ hội lớn dành cho doanh nghiệp Hoa Kỳ trong các ngành nông nghiệp, sản xuất máy bay, năng lượng, trang thiết bị và công nghệ.
Ông Adam Sitkoff, Giám đốc AmCham tại Hà Nội nhận định: “Bất kỳ động thái nào trong những ngày cuối cùng của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm gây bất lợi cho nền kinh tế Việt Nam bằng thuế quan trừng phạt cũng sẽ gây phương hại đến mối quan hệ chặt chẽ mà hai quốc gia đã phát triển trong nhiều năm”.
Theo ông Adam, thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ với Việt Nam gia tăng chủ yếu là do sự dịch chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc thay vì chính sách tỷ giá của Việt Nam. “Bằng cách mở rộng hơn cánh cửa thị trường cho hàng hóa và dịch vụ của Hoa Kỳ, Việt Nam có thể giảm thặng dư thương mại với Hoa Kỳ theo hướng có lợi cho cả hai nước”, ông kết luận.
STK đánh giá tác động của việc Mỹ điều tra Việt Nam thao túng tiền tệ
Trong thời gian gần đây một số chuyên viên phân tích có hỏi STK về khả năng tác động của việc chính phủ Mỹ tiến hành điều tra hành vi/chính sách thao túng tiền tệ của Việt nam đối với triển vọng kinh doanh của STK. Chúng tôi nhân dịp này xin chia sẻ với quý vị nhà đầu tư và chuyên viên phân tích góc nhìn của STK về vấn đề này như sau
Hiện nay xuất khẩu trực tiếp của STK vào thị trường Mỹ chỉ chiếm 2% tổng doanh thu. Do đó, tác động trực tiếp của việc áp thuế nếu có đến hoạt động kinh doanh là rất thấp. Ngoài ra, theo đánh giá của chúng tôi thì khả năng chính phủ mỹ áp thuế bổ sung lên hàng hóa nhập khẩu từ Việt nam rất thấp. Vì vậy, tác động gián tiếp của vụ điều tra này cũng rất thấp.
Các đánh giá này dựa trên các phân tích dưới đây
Sự kiện:
Ngày 2/10/2020: Đại diện thương mại Mỹ khởi xướng điều tra các hành vi, chính sách và thực tiễn liên quan đến việc định giá tiền tệ của Việt nam theo Điều 301 Luật Thương Mại Mỹ
Ngày 16/12/2020: Bộ Tài Chính Mỹ xác định Việt Nam và Switzerland là quốc gia thao túng tiền tệ;
Ý nghĩa của cuộc điều tra theo Điều 301:
Điều 301 của Luật Thương Mại Mỹ ban hành năm 1974 và sửa đổi ngày 23/3/2018 cho phép Tổng Thống Mỹ được hành động, bao gồm việc áp thuế nhập khẩu và các biện pháp trả đũa phi thuế quan để bãi bỏ các hành động, chính sách của chính phủ nước ngoài vi phạm thỏa thuận thương mại quốc tế hoặc không công bằng, không hợp lý làm cản trở thương mại của Mỹ.
Các vụ điều tra tiền lệ của Mỹ theo Điều 301
Ukraina: Ngày 20/12/2012, Chính phủ Mỹ áp thuế đối với kim loại, giày dép và một số mặt hành nhập khẩu khác từ Ukraina do USTR kết luận là nước này đã không ban hành luật để bảo vệ bản quyền đối với CD âm nhạc
Trung quốc:
Ngày 18/8/2017, USTR khởi xướng điều tra về các hành động, chính sách của Chính phủ Trung quốc liên quan tới chuyển giao công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ và phát minh
Ngày 10/10/2017: điều trần
Tháng 5/2018: đề nghị áp thuế bổ sung 25% đối với gói hàng hóa 34 tỷ USD (danh sách 1). Ngày chính thức áp thuế 19/7/2018. Các mặt hàng trong danh sách này bao gồm máy móc, thiết bị điện tử và công nghệ cao
Tháng 7/2018: đề nghị áp thuế bổ sung 25% đối với gói hàng hóa 16 tỷ USD (danh sách 1). Ngày chính thức áp thuế 23/8/2018
Tháng 8/2018: đề nghị áp thuế bổ sung 10% đối với gói hàng hóa 200 tỷ USD (danh sách 3). Ngày chính thức áp thuế 21/9/2018. Vào ngày 9/5/2019, thuế suất bổ sung đối với gói hàng hóa này tang từ 10% lên 25%
Tháng 6/2019: đề nghị áp thuế bổ sung 25% đối với gói hàng hóa 120 tỷ USD (danh sách 4A)- Ngày chính thức áp thuế đối với danh sách này là 1/09/2019 và gói hàng hóa 180 tỷ USD (danh sách 4B) – Ngày dự kiến áp thuế với danh sách này là 15/12/2019 tuy nhiên việc áp thuế cho gói hàng hóa này bị hủy sau khi Mỹ Trung đạt thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Các sản phẩm trong danh sách 4A chủ yếu bao gồm hàng dệt may và danh sách 4B bao gồm điện thoại di động, máy tính, máy chơi game, đồ chơi, màn hình máy tính, một số sản phẩm giày dép và quần áo.
Hệ quả từ vụ điều tra của USTR đối với Việt Nam
Khả năng chính phủ Mỹ áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam khá thấp vì các lý do sau:
Mối quan hệ giữa Việt nam và Mỹ khá tốt;
Chính phủ Việt nam đã có động thái để hợp tác với Chính phủ Mỹ để giải quyết vấn đề này (ngày 17/12/2020 NHNN Việt nam thông báo sẽ làm việc với các cơ quan chức năng Hoa kỳ để đảm bảo mối quan hệ thương mại hài hòa và công bằng; ngày 18/12 theo dự thảo Nghị quyết chính phủ số 01, Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thống nhất giao nhiệm vụ cho các bộ, cơ quan tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các đối tác Hoa Kỳ để duy trì đà quan hệ hợp tác song phương phát triển mạnh mẽ; ngày 22/12 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã điện đàm với Tổng Thống Donald Trump về vụ điều tra này)
Khả năng Chính phủ Mỹ sẽ đưa yếu tố thao túng tiền tệ vào việc tính biên độ trợ cấp trong các vụ kiện chống trợ cấp sau này của Việt Nam: cao.
Sợi Thế Kỷ (STK): Năm 2017 lãi 98 tỷ đồng cao gấp hơn 3 lần cùng kỳ
Sợi Thế Kỷ (STK) đã có một mùa kinh doanh thuận lợi và vượt tới 13% mục tiêu lợi nhuận cả năm 2017.
Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ (mã CK: STK) đã công bố BCTC quý 4/2017 với con số lãi tăng trưởng vượt trội so với cùng kỳ.
Theo đó, doanh thu thuần trong kỳ đạt gần 560 tỷ đồng tăng 43% so với cùng kỳ, giá vốn hàng bán chỉ tăng thêm 36% nên lợi nhuận gộp đạt gần 68 tỷ đồng tăng gấp hơn 2 lần so với quý 4/2016.
Trong kỳ doanh thu từ hoạt động tài chính đạt 2,34 tỷ đồng trong khi cùng kỳ ghi âm hơn 9 tỷ đồng, chi phí của hoạt động này cũng giảm mạnh xuống còn 6,7 tỷ đồng so với con số hơn 21 tỷ đồng cùng kỳ nên mặc dù chi phí bán hàng và chi phí QLDN đều tăng cao so với cùng kỳ STK vẫn báo lãi lên tới hơn 31 tỷ đồng khả quan hơn hẳn khoản lỗ gần 14 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Theo giải trình từ phía công ty nguyên nhân lợi nhuận tăng trưởng là do thị trường thuận lợi, doanh số và giá bán tăng hơn so với cùng kỳ, bên cạnh đó chênh lệch tỷ giá cũng giảm khá nhiều so với cùng kỳ.
Lũy kế cả năm 2017, STK đạt 1991 tỷ đồng doanh thu thuần tăng 47% so với cùng kỳ, LNST đạt gần 98 tỷ đồng cao gấp 3,4 lần cùng kỳ 2016 tương đương EPS đạt 1.633 đồng.
Như vậy sau hai năm 2015 và 2016 với nhiều yếu tố không thuận lợi, năm 2017, Sợi Thế Kỷ (STK) đã có mùa kinh doanh tích cực, tại ĐHĐCĐ năm 2017, STK đặt mục tiêu kinh doanh khá tham vọng với doanh thu gần 1.915 tỷ đồng, tăng 41%, lợi nhuận sau thuế đạt 87 tỷ đồng cao gấp 3 lần so với 2016 và kết quả là kết thúc năm 2017 STK đã hoàn thành vượt 4% mục tiêu doanh thu và vượt 13% mục tiêu lợi nhuận.
Năm 2018, dự báo là một năm bùng nổ cho nhu cầu dệt may và theo đó, những doanh nghiệp đầu ngành như STK chắc chắn hưởng lợi. Theo đó công ty đã đặt kế hoạch doanh thu đạt 2.354 tỷ đồng và lợi nhuận 119 tỷ đồng, tăng lần lượt 23% và 32% so với thực hiện năm 2017. Sự tăng trưởng trong kế hoạch đến từ việc chuyển dịch cơ cấu sản phẩm của Công ty sang các sản phẩm có chất lượng cao, trong đó có sợi tái chế. Bên cạnh việc bảo vệ môi trường từ việc tận dùng nguồn rác thải (nhựa PET), sản phẩm này còn tạo được biên lợi nhuận cao hơn những sản phẩm vốn có của STK.
Sau những khó khăn của năm 2016, CTCP Sợi Thế Kỷ (HOSE: STK) đã có những tín hiệu sáng sủa hơn từ việc chuyển trục và đa dạng hóa thị trường, những hiệp định mở cửa đến bùng nổ nhiều dự án đầu tư mới.
Chuyển mình
Cú ngã năm 2016 – vì đâu?
Cùng với thời điểm nhu cầu hàng dệt may chậm lại thì Nhà máy Trảng Bảng 3 bước vào hoạt động từ tháng 7/2015, kéo theo đó là gánh nặng chi phí khấu hao và lãi vay từ nhà máy.
STK phụ thuộc nhiều vào thị trường Thổ Nhĩ Kỳ nên khi quốc gia này áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm sợi polyester, mà cụ thể là sản phẩm sợi của Công ty đã bị áp thuế 34.8%, STK đã khó xoay chuyển được tình thế trong năm 2016.
Nguyên vật liệu chính của sợi nhân tạo là hạt nhựa PET, vì là một sản phẩm phái sinh của dầu thô nên cũng chịu ảnh hưởng từ những biến động giá dầu trong năm 2016.
Năm 2016, kết quả kinh doanh của STK đã gây sốc cho nhiều nhà đầu tư khi sụt giảm mạnh và đạt mức thấp nhất trong 8 năm, kể từ năm 2009. Những khó khăn của STK khi đó đến từ nhiều nguyên nhân như dư cung nhưng chính yếu là thị trường tiêu thụ chính của Công ty là Thổ Nhĩ Kỳ đã áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm sợi polyester.
Tuy nhiên, trong khó khăn bủa vây, một điểm sáng đã đặt nền móng cho sự trở lại của STK trong năm 2017 đó chính là phát triển được thị trường mới.
Theo đó, trong năm 2017, STK bắt đầu hướng đến nguồn cầu từ những thị trường mới sau “cơn đau” Thổ Nhĩ Kỳ là Hàn Quốc và Nhật Bản. Cùng với sự hồi phục của thị trường sợi, dệt may, STK bắt đầu bán sang thị trường Hàn quốc từ cuối năm 2015 và tỷ trọng doanh thu từ thị trường này đã tăng từ 2% (2015) lên 14% (9 tháng đầu năm 2017). Tuy thị trường Nhật bản chỉ mới được khai thác từ đầu năm nay nhưng doanh số tăng trưởng rất nhanh. Đến hết 30/9/2017 thị trường này đóng góp gần 10% doanh thu của toàn công ty.
Lợi thế từ hai thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản là các đối tác thường chú trọng đến chất lượng sản phẩm, do đó với dòng sản phẩm chất lượng cao thì biên lợi nhuận gộp từ thị trường này có phần nhỉnh hơn, có thể mang về lợi nhuận cao hơn mức trung bình đạt được. Song song đó là sự hỗ trợ của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và Việt Nam được hưởng thuế suất ưu đãi 0% tại một số quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản và châu Âu đối với mặt hàng vải, sợi.
Ông Đặng Triệu Hòa – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc cho biết STK sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc bán hàng vào 2 thị trường này vì phù hợp với phân khúc mục tiêu của Công ty là phân khúc trung và cao cấp. Tỷ trọng doanh thu đóng góp của các thị trường này trong những năm tới được dự kiến sẽ tăng lên đến 15% (thị trường Nhật) và khoảng 20% (thị trường Hàn Quốc).
Về phần nhà máy Trảng Bàng 3 và 4, dù khó khăn liên quan đến lãi vay và chi phí khấu hao còn đeo bám nhưng STK vẫn có những lợi thế nhất đinh. Trước nhất là tổng công suất toàn công ty được cải thiện đáng kể từ 37,000 tấn lên 60,000 tấn/năm khi đưa hai nhà máy vào hoạt động giúp STK giải bài toán về mở rộng sản xuất, trong đó sợi xơ dài là 51.500 tấn và sợi kéo duỗi là 8.500 tấn, đủ khả năng đáp ứng cầu cho thị trường châu Á đang dần phục hồi. Bên cạnh đó, khoản ưu đãi thuế từ hai dự án này cũng không nhỏ khi STK sẽ được miễn thuế 4 năm đầu và chỉ chịu 50% thuế TNDN trong 9 năm tiếp theo.
Mặt khác, nhà máy Trảng Bàng 3 có máy móc tự động hóa cao nên tỷ lệ hàng có cối sợi đạt chuẩn đóng hàng được cải thiện, nhờ đó biên lợi nhuận gộp của Trảng Bàng 3 tốt hơn so với các nhà máy trước đó.
Bên cạnh sản phẩm sợi tái chế đang được STK đầu tư nâng tỷ trọng doanh thu từ khoảng 3% lên 10% dự kiến trong năm 2017, STK còn định hướng phát triển thêm các sản phẩm mới như sợi màu, sợi chập nhằm phù hợp với khuynh hướng “tiêu dùng xanh”. Động thái mới nhất cho kế hoạch này vào tháng 10/2017, STK công bố sẽ chi hơn 144 tỷ đồng hợp tác với E.Dye Việt Nam đầu tư hai dự án sản xuất sợi màu tại Củ Chi và Tây Ninh. Được biết, tổng giá trị hai dự án này lên đến 16 triệu USD, tương đương 358 tỷ đồng. Song song đó, STK vừa quyết định nhận chuyển nhượng hơn 50% vốn (tương đương hơn 40 tỷ đồng) của CTCP Sợi, Dệt nhuộm Unitex.
Sau những lợi thế kể trên, kết quả lũy kế 9 tháng đã ghi nhận những bước cải thiện đáng kể trong cả doanh thu và lợi nhuận ròng. Cụ thể, doanh thu tăng 47% lên hơn 1,431 tỷ đồng, STK có giải trình là nhờ đẩy mạnh việc bán hàng mà cụ thể là phát triển thị trường mới và khách hàng mới, đồng thời STK còn thực hiện khai thác 100% công suất nhà máy Trảng Bàng 3. Còn lãi ròng thu về tăng trưởng gần 71% tương đương với 67 tỷ đồng.
Bên cạnh lợi thế có được từ những Hiệp định thương mại tự do (FTA), STK trong tương lai còn có thể hưởng nhiều mức ưu đãi thuế hơn khi mới đây Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được “hồi sinh” với cái tên mới Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và đang trong quá trình thúc đẩy việc ký kết.
Nhờ vào những động lực trên, STK vừa hé lộ con số lợi nhuận ròng dự kiến khi kết thúc năm 2017 là 90 tỷ đồng, tăng hơn 193% so với cùng kỳ và vượt 3% kế hoạch năm. Đồng thời, trong năm 2018 dựa trên các giả định về giá thì STK dự đạt 2,354 tỷ đồng doanh thu và 119 tỷ đồng lãi ròng, tăng trưởng 23% và 32%.
Loạt dự án mới sắp triển khai có làm tăng rủi ro nợ vay?
Mới đây, STK còn hé lộ loạt 4 dự án mới với tổng vốn đầu tư gần 630 tỷ đồng. Trong đó, đáng lưu ý là dự án nhà máy Trảng Bàng 5 đang trong quá trình hoàn tất các thủ tục, dự kiến sẽ triển khai từ tháng 3/2018 và chính thức đi vào hoạt động trong tháng 6/2018. Dự án này chủ yếu nhằm mục đích tăng hiệu quả sản xuất bằng tái chế sợi phế thành hạt nhựa chip lên 1,500 tấn và mở rộng công suất sợi DTY lên hơn 3,300 tấn.
Một dự án khác hợp tác với đối tác Hong Kong hướng đến sản phẩm sợi màu có mức đầu tư 81 tỷ đồng với công suất 6,120 tấn/năm. Hai dự án còn lại đang trong quá trình đàm phán là dự án sợi chập và dự án sợi nhuộm với tổng vốn đầu tư lần lượt là 180 tỷ đồng và 50 triệu USD (STK góp vốn 10.5 triệu USD).
4 dự án mới với tổng vốn đầu tư gần 630 tỷ đồng của STK
Chia sẻ về áp lực vốn vay tăng thêm từ 4 dự án, ông Đặng Triệu Hòa cho biết dù tổng vốn đầu tư của 4 dự án là 630 tỷ nhưng STK sẽ chỉ huy động khoảng 90 tỷ vốn vay. Phần vốn còn lại sẽ từ vốn tự có gồm lợi nhuận giữ lại, khấu hao, tài sản đất đai có sẵn và một phần vốn huy động từ cổ đông trong trường hợp cần thiết. Công ty cũng sẽ lập tiến độ thực hiện dự án phù hợp với dòng tiền nhằm đảm bảo duy trì tỷ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu ở mức độ an toàn khoảng 1 lần.
Được biết, tỷ lệ tổng nợ vay trên vốn chủ sở hữu của Công ty đã liên tục tăng nhiều năm trở lại đây và đến thời điểm quý 3/2017, con số này đạt hơn 1.3 lần với hơn 990 tỷ đồng nợ vay. Trong đó, nợ vay ngắn hạn là 487 tỷ và nợ vay dài hạn gần 504 tỷ đồng chủ yếu tài trợ cho các dự án sản xuất. Song, khoản mục tiền và tương đương tiền đang ở mức 141 tỷ đồng, nên tỷ lệ tổng nợ vay ròng trên vốn chủ sở hữu hiện còn 1.14 lần.