“SỢI THẾ KỶ KIÊN ĐỊNH ĐI THEO XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG”
Là doanh nghiệp hoạt động trong ngành dệt may – một trong những ngành thải ra nhiều chất ô nhiễm, nhưng Công ty Cổ phần Sợi Thế Kỷ (STK) đã định vị thành công hình ảnh doanh nghiệp kiên định đi theo xu hướng phát triển bền vững (PTBV), qua đó cũng nắm bắt được cơ hội từ xu hướng “tiêu dùng xanh”. Theo ông Đặng Triệu Hòa, Tổng Giám đốc Công ty, mặc dù phải trải qua những thăng trầm, đối diện với nhiều thách thức trong ngắn hạn nhưng với chiến lược PTBV, cải thiện liên tục quản trị công ty (QTCT) thì bức tranh dài hạn, STK là doanh nghiệp có tăng trưởng ổn định.
Ông Đặng Triệu Hòa
Thưa ông, trong nhiều năm gần đây STK luôn lọt vào danh sách Top 10 Báo cáo PTBV tốt nhất và lần lượt đoạt giải cao vào các năm 2020, 2021 và 2022, cạnh tranh trực tiếp và sòng phẳng với các doanh nghiệp vốn hóa lớn. Xin ông chia sẻ những bước đi của của STK để có được thành công nói trên?
Ngay từ khi thành lập, STK luôn cố gắng cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường và phát triển xã hội. Triết lý kinh doanh đó có thể được tóm tắt trong tuyên ngôn sứ mệnh của Công ty được viết từ ngày đầu thành lập: “Chúng tôi ứng dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, quản trị hiện đại, đội ngũ chuyên nghiệp và văn hóa doanh nghiệp cầu tiến sáng tạo, thông qua tiết giảm tiêu hao nguồn tài nguyên, năng lượng, bảo vệ môi trường thiên nhiên để đóng góp cho xã hội, mang đến cho cộng đồng những sản phẩm dịch vụ hiện đại và thân thiện”.
Với định hướng đó, khi xây dựng chiến lược kinh doạnh, Công ty luôn chú trọng phát triển những sản phẩm thân thiện với môi trường, đầu tư máy móc thiết bị có tính năng thân thiện với môi trường (đảm bảo chất lượng sản phẩm, giảm phế phẩm), áp dụng các biện pháp tái sử dụng vật liệu và giảm tiêu thụ nước và điện. Đối với con người và xã hội, bên cạnh chính sách lương thưởng cạnh tranh, Công ty cũng không ngừng đào tạo nâng cao kỹ năng và tạo cơ hội thăng tiến cho người lao động. Đồng thời, STK đã và đang áp dụng các thông lệ tốt nhất trong QTCT để đảm bảo tính công bằng và minh bạch. Chúng tôi luôn chia sẻ những lợi ích và thành tựu với các bên liên quan bao gồm nhân viên, nhà cung cấp, khách hàng, nhà đầu tư và đối tác kinh doanh để cùng nhau phấn đấu vươn lên và xây dựng một tương lai tươi sáng hơn.
Định hướng PTBV nói trên được Công ty tuyên truyền đến tất cả người lao động và cụ thể hóa thành các chỉ tiêu hoạt động cụ thể (KPI) cho từng phòng ban (ví dụ như phòng kinh doanh sẽ được giao chỉ tiêu nâng tỷ trọng sợi tái chế trong tổng doanh thu; nhà máy sẽ được giao chỉ tiêu tỷ lệ sản phẩm đạt chuẩn, tỷ lệ sợi phế, định mức tiêu hao nguyên vật liệu; bộ phận cơ điện được giao chỉ tiêu giảm định mức tiêu thụ điện, nước; bộ phận nhân sự được giao chỉ tiêu tỷ lệ đáp ứng nhân sự, tỷ lệ nhân sự nghỉ việc, các chỉ tiêu về đào tạo nhân sự…). Các KPI này được giám sát chặt chẽ hàng tháng và Ban Lãnh đạo sẽ yêu cầu các bộ phận liên quan giải thích lý do tại sao không đạt được KPI và các bộ phận cần đề xuất các giải pháp để giải quyết các vấn đề phát sinh hoặc để cải thiện KPI.
Công ty bắt đầu thực hiện Báo cáo PTBV từ năm 2015 để ghi nhận lại toàn bộ quá trình xây dựng chiến lược PTBV, lập và thực thi kế hoạch PTBV nói trên. Theo thời gian, Công ty đã dần hoàn thiện và bổ sung thêm các hạng mục để báo cáo phản ánh được toàn diện các khía cạnh trong hoạt động PTBV của Công ty.
Năm 2022 doanh nghiệp ở hầu hết các ngành hàng đều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh do phải đối mặt với nhiều vấn đề như thiếu vốn, lãi suất tăng cao… Đối với STK, trong năm qua, Công ty đã phải đối mặt với những khó khăn nào và STK đã có những giải pháp gì để vượt qua khó khăn, tiếp tục khẳng định vị thế vững chắc của mình trên thương trường?
Trong năm qua, khó khăn lớn nhất mà STK phải đối mặt lạm phát tăng buộc các nước phải thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt khiến người dân giảm chi tiêu, đặc biệt các thị trường nhập khẩu hàng may mặc chủ chốt như Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), dẫn đến nhu cầu hàng may mặc sụt giảm và do đó nhu cầu sợi cũng bị giảm theo.
Chính vì vậy, để hoàn thành kế hoạch kinh doanh đặt ra từ đầu năm, STK nhắm tới phân khúc sản phẩm giá trị gia tăng cao – đây là phân khúc khách hàng vẫn còn có nhu cầu và STK có ưu thế về mặt công nghệ để đáp ứng yêu cầu của khách hàng trong khi lợi nhuận cũng tốt hơn các sản phẩm khác.
Bên cạnh đó, Công ty cũng tiến hành rà soát, đánh giá rủi ro và kiện toàn hoạt động nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, tiết kiệm chi phí và tăng cường khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp. Hiện nay, khoản nợ vay của STK khá ít (chủ yếu là nợ vay ngắn hạn để tài trợ vốn lưu động – hệ số vốn vay/vốn chủ sở hữu của STK hiện ở mức 0.3 lần) nên tác động của tăng lãi suất và tỷ giá tới kết quả hoạt động không nhiều. Tuy nhiên, Công ty cũng có biện pháp để giảm bớt vốn vay ngắn hạn nhằm tiết giảm chi phí tài chính.
Để phát huy truyền thống của một trong những doanh nghiệp thuộc nhóm lá cờ đầu trong ngành dệt may Việt Nam, xin ông chia sẻ những hướng đi cụ thể trong năm 2023?
Trong năm 2023, STK sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc bán các sản phẩm sợi thân thiện với môi trường như sợi tái chế (làm từ chai nhựa đã qua sử dụng – sản phẩm này có thể cắt giảm phát thải khí nhà kính khoảng 50% so với sợi nguyên sinh), sợi màu (được tạo ra bằng cách trộn hạt màu với polymer nung chảy – sản phẩm này giúp các nhà máy dệt bỏ qua công đoạn nhuộm và nhờ đó tiết kiệm gần 90% nước sạch và cắt giảm nước thải và hóa chất vào môi trường).
Trong 9 tháng đầu năm 2022, sợi tái chế chiếm 51% trong tổng doanh thu của STK. Công ty đặt mục tiêu tăng tỷ trọng này lên trên 60% trong năm 2023. Công ty cũng tiếp tục phát triển thêm các tính năng đặc biệt cho sợi tái chế (như sợi hút ẩm, chống tia cực tím, có độ co dãn cao) để tạo thêm giá trị gia tăng cho người tiêu dung và qua đó thúc đẩy nhu cầu sợi tái chế. Bên cạnh đó, Công ty cũng triển khai hoạt động kiểm toán nội bộ để đánh giá rủi ro, từ đó kiện toàn hoạt động, nâng cao QTCT và đảm bảo sự PTBV của Công ty.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Mai Anh thực hiện.
Nguồn: Tạp chí Chứng khoán, ngày 06/01/2023