Sau những khó khăn của năm 2016, CTCP Sợi Thế Kỷ (HOSE: STK) đã có những tín hiệu sáng sủa hơn từ việc chuyển trục và đa dạng hóa thị trường, những hiệp định mở cửa đến bùng nổ nhiều dự án đầu tư mới.
Chuyển mình
Cú ngã năm 2016 – vì đâu? Cùng với thời điểm nhu cầu hàng dệt may chậm lại thì Nhà máy Trảng Bảng 3 bước vào hoạt động từ tháng 7/2015, kéo theo đó là gánh nặng chi phí khấu hao và lãi vay từ nhà máy. STK phụ thuộc nhiều vào thị trường Thổ Nhĩ Kỳ nên khi quốc gia này áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm sợi polyester, mà cụ thể là sản phẩm sợi của Công ty đã bị áp thuế 34.8%, STK đã khó xoay chuyển được tình thế trong năm 2016. Nguyên vật liệu chính của sợi nhân tạo là hạt nhựa PET, vì là một sản phẩm phái sinh của dầu thô nên cũng chịu ảnh hưởng từ những biến động giá dầu trong năm 2016. |
Năm 2016, kết quả kinh doanh của STK đã gây sốc cho nhiều nhà đầu tư khi sụt giảm mạnh và đạt mức thấp nhất trong 8 năm, kể từ năm 2009. Những khó khăn của STK khi đó đến từ nhiều nguyên nhân như dư cung nhưng chính yếu là thị trường tiêu thụ chính của Công ty là Thổ Nhĩ Kỳ đã áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm sợi polyester.
Tuy nhiên, trong khó khăn bủa vây, một điểm sáng đã đặt nền móng cho sự trở lại của STK trong năm 2017 đó chính là phát triển được thị trường mới.
Theo đó, trong năm 2017, STK bắt đầu hướng đến nguồn cầu từ những thị trường mới sau “cơn đau” Thổ Nhĩ Kỳ là Hàn Quốc và Nhật Bản. Cùng với sự hồi phục của thị trường sợi, dệt may, STK bắt đầu bán sang thị trường Hàn quốc từ cuối năm 2015 và tỷ trọng doanh thu từ thị trường này đã tăng từ 2% (2015) lên 14% (9 tháng đầu năm 2017). Tuy thị trường Nhật bản chỉ mới được khai thác từ đầu năm nay nhưng doanh số tăng trưởng rất nhanh. Đến hết 30/9/2017 thị trường này đóng góp gần 10% doanh thu của toàn công ty.
Lợi thế từ hai thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản là các đối tác thường chú trọng đến chất lượng sản phẩm, do đó với dòng sản phẩm chất lượng cao thì biên lợi nhuận gộp từ thị trường này có phần nhỉnh hơn, có thể mang về lợi nhuận cao hơn mức trung bình đạt được. Song song đó là sự hỗ trợ của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và Việt Nam được hưởng thuế suất ưu đãi 0% tại một số quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản và châu Âu đối với mặt hàng vải, sợi.
Ông Đặng Triệu Hòa – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc cho biết STK sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc bán hàng vào 2 thị trường này vì phù hợp với phân khúc mục tiêu của Công ty là phân khúc trung và cao cấp. Tỷ trọng doanh thu đóng góp của các thị trường này trong những năm tới được dự kiến sẽ tăng lên đến 15% (thị trường Nhật) và khoảng 20% (thị trường Hàn Quốc).
Về phần nhà máy Trảng Bàng 3 và 4, dù khó khăn liên quan đến lãi vay và chi phí khấu hao còn đeo bám nhưng STK vẫn có những lợi thế nhất đinh. Trước nhất là tổng công suất toàn công ty được cải thiện đáng kể từ 37,000 tấn lên 60,000 tấn/năm khi đưa hai nhà máy vào hoạt động giúp STK giải bài toán về mở rộng sản xuất, trong đó sợi xơ dài là 51.500 tấn và sợi kéo duỗi là 8.500 tấn, đủ khả năng đáp ứng cầu cho thị trường châu Á đang dần phục hồi. Bên cạnh đó, khoản ưu đãi thuế từ hai dự án này cũng không nhỏ khi STK sẽ được miễn thuế 4 năm đầu và chỉ chịu 50% thuế TNDN trong 9 năm tiếp theo.
Mặt khác, nhà máy Trảng Bàng 3 có máy móc tự động hóa cao nên tỷ lệ hàng có cối sợi đạt chuẩn đóng hàng được cải thiện, nhờ đó biên lợi nhuận gộp của Trảng Bàng 3 tốt hơn so với các nhà máy trước đó.
Bên cạnh sản phẩm sợi tái chế đang được STK đầu tư nâng tỷ trọng doanh thu từ khoảng 3% lên 10% dự kiến trong năm 2017, STK còn định hướng phát triển thêm các sản phẩm mới như sợi màu, sợi chập nhằm phù hợp với khuynh hướng “tiêu dùng xanh”. Động thái mới nhất cho kế hoạch này vào tháng 10/2017, STK công bố sẽ chi hơn 144 tỷ đồng hợp tác với E.Dye Việt Nam đầu tư hai dự án sản xuất sợi màu tại Củ Chi và Tây Ninh. Được biết, tổng giá trị hai dự án này lên đến 16 triệu USD, tương đương 358 tỷ đồng. Song song đó, STK vừa quyết định nhận chuyển nhượng hơn 50% vốn (tương đương hơn 40 tỷ đồng) của CTCP Sợi, Dệt nhuộm Unitex.
Sau những lợi thế kể trên, kết quả lũy kế 9 tháng đã ghi nhận những bước cải thiện đáng kể trong cả doanh thu và lợi nhuận ròng. Cụ thể, doanh thu tăng 47% lên hơn 1,431 tỷ đồng, STK có giải trình là nhờ đẩy mạnh việc bán hàng mà cụ thể là phát triển thị trường mới và khách hàng mới, đồng thời STK còn thực hiện khai thác 100% công suất nhà máy Trảng Bàng 3. Còn lãi ròng thu về tăng trưởng gần 71% tương đương với 67 tỷ đồng.
Bên cạnh lợi thế có được từ những Hiệp định thương mại tự do (FTA), STK trong tương lai còn có thể hưởng nhiều mức ưu đãi thuế hơn khi mới đây Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được “hồi sinh” với cái tên mới Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và đang trong quá trình thúc đẩy việc ký kết.
Nhờ vào những động lực trên, STK vừa hé lộ con số lợi nhuận ròng dự kiến khi kết thúc năm 2017 là 90 tỷ đồng, tăng hơn 193% so với cùng kỳ và vượt 3% kế hoạch năm. Đồng thời, trong năm 2018 dựa trên các giả định về giá thì STK dự đạt 2,354 tỷ đồng doanh thu và 119 tỷ đồng lãi ròng, tăng trưởng 23% và 32%.
Loạt dự án mới sắp triển khai có làm tăng rủi ro nợ vay?
Mới đây, STK còn hé lộ loạt 4 dự án mới với tổng vốn đầu tư gần 630 tỷ đồng. Trong đó, đáng lưu ý là dự án nhà máy Trảng Bàng 5 đang trong quá trình hoàn tất các thủ tục, dự kiến sẽ triển khai từ tháng 3/2018 và chính thức đi vào hoạt động trong tháng 6/2018. Dự án này chủ yếu nhằm mục đích tăng hiệu quả sản xuất bằng tái chế sợi phế thành hạt nhựa chip lên 1,500 tấn và mở rộng công suất sợi DTY lên hơn 3,300 tấn.
Một dự án khác hợp tác với đối tác Hong Kong hướng đến sản phẩm sợi màu có mức đầu tư 81 tỷ đồng với công suất 6,120 tấn/năm. Hai dự án còn lại đang trong quá trình đàm phán là dự án sợi chập và dự án sợi nhuộm với tổng vốn đầu tư lần lượt là 180 tỷ đồng và 50 triệu USD (STK góp vốn 10.5 triệu USD).
4 dự án mới với tổng vốn đầu tư gần 630 tỷ đồng của STK |
Chia sẻ về áp lực vốn vay tăng thêm từ 4 dự án, ông Đặng Triệu Hòa cho biết dù tổng vốn đầu tư của 4 dự án là 630 tỷ nhưng STK sẽ chỉ huy động khoảng 90 tỷ vốn vay. Phần vốn còn lại sẽ từ vốn tự có gồm lợi nhuận giữ lại, khấu hao, tài sản đất đai có sẵn và một phần vốn huy động từ cổ đông trong trường hợp cần thiết. Công ty cũng sẽ lập tiến độ thực hiện dự án phù hợp với dòng tiền nhằm đảm bảo duy trì tỷ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu ở mức độ an toàn khoảng 1 lần.
Được biết, tỷ lệ tổng nợ vay trên vốn chủ sở hữu của Công ty đã liên tục tăng nhiều năm trở lại đây và đến thời điểm quý 3/2017, con số này đạt hơn 1.3 lần với hơn 990 tỷ đồng nợ vay. Trong đó, nợ vay ngắn hạn là 487 tỷ và nợ vay dài hạn gần 504 tỷ đồng chủ yếu tài trợ cho các dự án sản xuất. Song, khoản mục tiền và tương đương tiền đang ở mức 141 tỷ đồng, nên tỷ lệ tổng nợ vay ròng trên vốn chủ sở hữu hiện còn 1.14 lần.
Nguồn: https://vietstock.vn/2017/12/soi-the-ky-con-bi-cuc-da-qua-737-573602.htm