Ngành sợi Việt Nam đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử phát triển
Trước ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, nhiều doanh nghiệp sợi Việt Nam đang rơi vào tình cảnh khó khăn, lợi nhuận sụt giảm mạnh hoặc thua lỗ. Sợi Damsan (HoSE: ADS) báo lãi sau thuế chưa đến 3 tỷ đồng, giảm 92% trong nửa đầu năm; sợi Fortex (HoSE: FTM) 9 tháng lỗ 43 tỷ đồng. Vinatex (UPCoM: VGT) cho biết một số đơn vị sản xuất sợi trong nửa đầu năm giảm đáng kể khiến lợi nhuận toàn tập đoàn nửa đầu năm giảm 23% so cùng kỳ năm trước.
Chủ tịch Ban chấp hành Hiệp hội Bông sợi Việt Nam (VCOSA) Nguyễn Văn Tuấn cho biết nhiều năm qua, Trung Quốc là thị trường ổn định của sợi cotton với lượng nhập 2 triệu tấn/năm và chỉ có 3 nhà cung cấp chính là Ấn Ðộ, Pakistan, Việt Nam. Sợi của Việt Nam có ưu thế hơn nên giành được 40% thị phần.
Tuy nhiên, dưới tác động của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, ngành sợi Việt Nam phải trải qua giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử phát triển. Căng thẳng thương mại khiến xuất khẩu hàng may mặc của Trung Quốc vào Mỹ (chiếm 45% tổng nhập khẩu của Mỹ) giảm đáng kể, kéo theo nhu cầu mua sợi cotton của Trung Quốc giảm; đồng nhân dân tệ mất giá tác động xấu lên giá bán sợi cotton của Việt Nam; đồng rupee của Ấn Ðộ đột ngột mất giá 12%, cho phép các nhà bán sợi Ấn Ðộ giảm giá bán bình quân cho 1 kg sợi từ 3,5 USD xuống còn 2,8 USD.
Theo tính toán sơ bộ của VCOSA, kể từ khi thương chiến Mỹ – Trung xảy ra, ngành sợi Việt Nam mất khoảng 400 triệu USD do bị giảm giá.
Sợi Thế Kỷ ngược dòng
Công ty Sợi Thế Kỷ (HoSE: STK) đi ngược xu hướng khi lợi nhuận sau thuế 9 tháng đạt 161 tỷ đồng, tăng 23% so cùng kỳ năm trước và thực hiện 81% kế hoạch năm.
Nguồn: BCTC Sợi Thế Kỷ |
Bà Nguyễn Phương Chi – Giám đốc chiến lược cho biết các công ty sợi Việt Nam đang gặp khó khăn do các doanh nghiệp Trung Quốc bán phá giá mặt hàng sợi nguyên sinh (sợi tổng hợp polyester DTY và FDY) nhằm giải phóng hàng tồn kho, bù đắp đơn hàng đã mất. Việc bán phá giá này thực hiện cả thị trường quốc tế lẫn Việt Nam.
Sợi Thế Kỷ cũng bị ảnh hưởng. Doanh số 9 tháng giảm 12,2% và doanh thu giảm 7,2% do doanh số và doanh thu sợi nguyên sinh giảm lần lượt 26,5% và 27,9%. Tuy nhiên, nhờ đi vào thị trường ngách, đẩy mặt mặt hàng sợi tái chế recycled nên lợi nhuận vẫn tăng trưởng.
Bà Nguyễn Phương Chi. |
Theo bà Chi, công ty đã triển khai đầu tư và đẩy mạnh việc bán sản phẩm sợi tái chế (recycled) từ năm 2016 trước xu hướng người tiêu dùng và các thương hiệu lớn có xu hướng bảo vệ môi trường. Kể từ cuối năm 2016, số lượng khách hàng mua mặt hàng này đã tăng từ 8 công ty lên 80 công ty ở thời điểm hiện nay. Tỷ trọng đóng góp của sợi tái chế trong doanh thu công ty cũng tăng từ 2,6% năm 2016 lên 32.4% hiện nay. Trong 9 tháng, sợi tái chế đã tăng trưởng 113,8% về doanh số và 132% về doanh thu so với cùng kỳ 2018.
Bên cạnh đó, đồng nhân dân tệ giảm giá mạnh do căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang khiến các doanh nghiệp sợi Việt chuyên xuất khẩu hàng sang Trung Quốc gặp khó vì giá bán cao. Riêng Sợi Thế Kỷ, bà Chi cho biết đơn vị không xuất hàng sang Trung Quốc. Công ty hiện đang cân bằng 50:50 tỷ trọng đóng góp vào doanh thu giữa thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu. Các thị trường xuất khẩu chính của công ty gồm Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, Đài loan, Pakistan, Mỹ.
Dù vậy, Giám đốc chiến lược Sợi Thế Kỷ cho rằng về dài hạn chiến tranh thương mại Mỹ – Trung vẫn là cơ hội vì nhiều khách hàng Mỹ đã chuyển đơn hàng dệt may từ Trung Quốc tới Việt Nam. Số liệu thống kê của OTEXA (thuộc Bộ Thương Mại Mỹ) thì trong 8 tháng năm 2019, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam vào thị trường này tăng 8,24% về khối lượng và 12,53% về giá trị. Việc chính phủ Mỹ áp thuế bổ sung (25%), thuế chống bán phá giá (65%) và thuế chống trợ cấp (từ 32% đến 460%) đối với sợi polyester filament của Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ đã thúc đẩy các nhà nhập khẩu Mỹ tìm nhà cung ứng thay thế.
Quang cảnh nhà máy Sợi Thế Kỷ. |
Dự kiến vượt kế hoạch lợi nhuận 5% đến 10%
Về chiến lược đầu tư, cuối năm 2018, Sợi Thế Kỷ đã hoàn tất đầu tư dự án Trảng Bàng giai đoạn 5, nâng tổng công suất từ 60.000 tấn lên 63.300 tấn sợi mỗi năm; lắp đặt thêm dây chuyền sản xuất hạt nhựa tái chế 1.500 tấn/năm. Trong ngắn hạn Sợi Thế Kỷ vẫn chú trọng vào việc chuyển đổi danh mục sản phẩm sang các sản phẩm sợi giá trị gia tăng (sợi tái chế, sợi màu, sợi có tính năng đặc biệt như sợi hút ẩm, sợi chống tia UV, sợi co dãn cao cho cả sợi nguyên sinh và sợi tái chế). Khi các sản phẩm có giá trị gia tăng, đặc biệt là sợi tái chế và sợi màu đạt tỷ trọng trên 50%-70% trong tổng doanh thu thì công ty sẽ cân nhắc mở rộng quy mô sản xuất (có thể là từ năm 2021), Giám đốc chiến lược Sợi Thế Kỷ cho biết.
Vào cuối quý III, công ty đã hoàn thành việc chạy thử dàn máy sản xuất sợi màu và đang bắt đầu chào bán sản phẩm cho khách hàng trong quý IV. Tuy nhiên, thị trường này còn khá mới mẻ và khách hàng cần thời gian thử mẫu.
Theo đánh giá của công ty thì thị trường sợi nguyên sinh cuối năm vẫn chưa cải thiện được nhiều trong khi nhu cầu sợi tái chế tiếp tục tăng. Bà Chi tiết lộ công ty dự kiến có thể vượt kế hoạch lợi nhuận của cả năm (199,6 tỷ đồng) từ 5% đến 10%.
https://ndh.vn/ket-qua-kinh-doanh/vi-sao-soi-the-ky-nguoc-dong-cuoc-khung-hoang-nganh-soi-1257283.html