Với việc Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực vào tháng 1/2019, giới chuyên gia kỳ vọng, đơn hàng từ các quốc gia thành viên CPTPP như Canada, Australia, New Zealand sẽ gia tăng tại Việt Nam nhằm hưởng lợi từ các ưu đãi thuế quan, cũng như tránh các rủi ro xuất phát từ căng thẳng thương mại Mỹ – Trung.
Bên cạnh CPTPP, Việt Nam cũng sắp ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Hiện tại, EU là thị trường lớn thứ 2 của dệt may Việt Nam, chỉ sau Mỹ và có mức tăng trưởng ổn định (7 – 10%/năm). Khi EVFTA có hiệu lực, thuế xuất nhập khẩu hàng may mặc xuất xứ Việt Nam sẽ giảm từ 12% xuống 0%. Với lợi thế này, ngành dệt may kỳ vọng có thể gia tăng thị phần so với mức khiêm tốn hiện tại chỉ 2 – 3%.
Theo báo cáo tổng kết của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt hơn 36 tỷ USD, tăng hơn 16% so với năm 2017 và được đánh giá là năm xuất khẩu thành công nhất của ngành dệt may trong nhiều năm trở lại đây. Bên cạnh đó, đối với các dự án đầu tư, theo thống kê sơ bộ, năm 2018 có khoảng 146 dự án nước ngoài đầu tư vào ngành dệt may Việt Nam với số vốn đăng ký đạt hơn 17 tỷ USD.
Tại buổi tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh toàn ngành, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội cho biết, tình hình đơn hàng cho năm 2019 có tín hiệu khả quan, nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng cho 6 tháng đầu năm, thậm chí cả năm 2019. Sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao và dần hoàn chỉnh chuỗi cung ứng dệt may (do dòng vốn đầu tư vào công nghiệp dệt nhuộm và nguyên phụ liệu đang tăng lên), thời điểm thực thi các hiệp định thương mại thế hệ mới sắp đến là những yếu tố tích cực cho hoạt động sản xuất – kinh doanh của ngành dệt may Việt Nam năm 2019.
Trong bối cảnh này, CTCP Sợi Thế Kỷ (STK) cho biết, Công ty sẽ đưa giai đoạn mở rộng Nhà máy Trảng Bảng 5 đi vào hoạt động, nâng công suất thêm 5%. Đồng thời chuẩn bị kế hoạch cho dự án đầu tư nhà máy mới với công suất dự kiến gấp 2 – 3 lần công suất hiện tại, có thể tự cung ứng hạt nhựa.
Về cơ cấu sản phẩm, nhằm bắt kịp xu hướng thời “thời trang xanh” của các thương hiệu lớn như Adidas, Puma…, STK sẽ tăng tỷ trọng các mặt hàng có giá trị gia tăng như sợi tái chế, các sợi có tính năng đặc biệt khác. Hiện đơn hàng đã đặt đến tháng 4/2019 và Công ty vẫn giữ lại số lượng hàng nhất định để bán hàng tháng, bởi tập quán kinh doanh trong ngành sợi là điều chỉnh giá hàng tháng theo giá nguyên vật liệu.
Trong khi đó, ông Bùi Việt Quang, Tổng giám đốc CTCP May Sông Hồng (MSH) cho biết, MSH sẽ mở rộng năng lực sản xuất thông qua việc đầu tư thêm cơ sở sản xuất quy mô 3.000 lao động theo “tiêu chuẩn Xanh” tại Nam Định, qua đó nâng tổng công suất toàn Công ty thêm 30% từ năm 2020 và hướng đến mục tiêu 5.000 tỷ đồng doanh thu. Hiện tại, MSH đang có 160 chuyền may, sản lượng xuất khẩu trung bình hàng năm đạt 60 triệu sản phẩm.
Tương tự, tại CTCP Đầu tư và phát triển TDT (TDT), ông Nguyễn Việt Thắng, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị TDT cho biết, tháng 11/2018, Công ty đã ký kết hợp đồng cung ứng sản phẩm may mặc theo hình thức FOB (mảng có tỷ suất sinh lời cao) xuất đi thị trường Hoa Kỳ với trị giá xấp xỉ 1,2 triệu USD. Hợp đồng được ký kết với đối tác mới của TDT là Premier Exim USA Inc – nhà nhập khẩu sản phẩm may mặc cho các thương hiệu lớn của Mỹ như: Walmart, Kohl’s, Target, Costco. Dự kiến, trong năm 2019, khách hàng này mong muốn đặt các đơn hàng với TDT có tổng giá trị từ 5 – 10 triệu USD.
Bên cạnh đó, Công ty cũng đang trong quá trình đàm phán và ký kết thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn SAE-A, một trong các tập đoàn lớn nhất của Hàn Quốc về may mặc. Việc phát triển thêm các khách hàng lớn đã giúp Công ty có đủ đơn hàng cho các dự án mới khi đi vào hoạt động từ quý III/2019.
Với CTCP Sản xuất thương mại May Sài Gòn (GMC), năm 2018, điều đặc biệt là đơn đặt hàng của Công ty đã tăng lên nhiều, nhà máy gần như chạy hết công suất ngay từ những quý đầu năm, không nhận thêm đơn hàng mới. Thậm chí, có khách hàng lâu năm muốn gia tăng đơn hàng khoảng 20% nhưng GMC phải cân nhắc về yếu tố nguồn lực trong ngắn và dài hạn.