(NDH) Nhận định cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và các FTA sẽ đem lại nhiều cơ hội cho ngành dệt may, các doanh nghiệp đề ra chiến lược mở rộng và kế hoạch kinh doanh 2019 tăng trưởng so với kế hoạch 2018.
Ông Đặng Triệu Hòa, Chủ tịch HĐQT CTCP Sợi Thế Kỷ (HoSE: STK) nhận định ngành dệt may Việt Nam nói chung sẽ có nhiều thuận lợi trong năm 2019 nhờ vào việc CPTPP chính thức có hiệu lực từ ngày 30/12/2018. Các đơn hàng từ các quốc gia thành viên CPTPP như Canada, Australia, New Zealand đổ vào Việt Nam sẽ tăng lên nhằm hưởng các ưu đãi thuế quan. Đồng thời, do lo ngại chiến tranh thương mại giữa Mỹ-Trung nên các nhà nhập khẩu Mỹ cũng đang và sẽ chuyển bớt đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Ngoài ra, ngành dệt may còn có cơ hội từ thị trường EU nếu EVFTA được chính thức ký kết và thông qua vào năm 2019. Khi EVFTA có hiệu lực, EU sẽ cắt giảm thuế xuất nhập khẩu hàng may mặc xuất xứ Việt Nam từ 12% xuống 0%. Nhờ vậy, các doanh nghiệp may mặc của Việt Nam có thể mong đợi tăng thị phần (hiện đang ở mức khiêm tốn 2%-3%) lên mức cao hơn khi EVFTA có hiệu lực.
Ông Đặng Triệu Hòa, Chủ tịch STK (ảnh: Báo Đầu tư)
Các doanh nghiệp sản xuất sợi như Sợi Thế Kỷ sẽ được hưởng lợi gián tiếp từ nhu cầu sợi trong nước tăng để cung ứng nguyên liệu cho hàng may mặc xuất khẩu (do yêu cầu về nguyên tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan theo CPTPP là từ sợi trở đi và đối với EVFTA là từ vải trở đi). Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam còn có thể xuất khẩu sợi trực tiếp sang Mexico (hưởng ưu đãi thuế quan theo CPTPP), sang Mỹ (mặt hàng cùng loại của Trung Quốc phải chịu mức thuế 25% áp bổ sung do chiến tranh thương mại và đang có nguy cơ bị đánh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp) và sang một số quốc gia châu Âu như Tây Ban Nha, Ba Lan, Séc (hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA).
Tuy nhiên, ngành dệt may sẽ phải đối mặt với khó khăn là phụ thuộc quá lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu (vải và phụ liệu), đặc biệt là từ Trung Quốc, đây là khó khăn lớn nhất. Điều này sẽ cản trở việc đáp ứng các yêu cầu về xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế theo CPTPP và EVFTA. Ngoài ra, việc phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc cũng có thể khiến Chính phủ Mỹ chú ý và có động thái bất lợi đối với hàng hóa có nguồn gốc từ Việt nam.
Mặt khác, theo dự báo của quỹ tiền tệ thế giới IMF, tỷ giá USD/VND sẽ tiếp tục tăng lên trong năm 2019. Với bản thân STK nhờ nguồn doanh thu bằng USD dồi dào mà có đủ nguồn ngoại tệ để nhập khẩu nguyên vật liệu và trả nợ vay có gốc ngoại tệ. Để hạn chế tác động của tỷ giá đối với việc trích lập dự phòng lỗ tỷ giá chưa thực hiện do đánh giá các khoản vay ngoại tệ cuối kỳ, công ty sẽ giám sát chặt chẽ các biến động tỷ giá và dòng tiền để chủ động trả bớt nợ vay trước hạn.
Trước những dự báo đó, ông Hòa cho biết trong năm 2019, công ty sẽ đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa, tận dụng cơ hội từ xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng dệt-may vào Việt Nam và những lợi ích từ các FTA mang lại. Bên cạnh đó, công ty cũng tiếp tục phát triển các thị trường như Nhật Bản, Mexico, Indonesia… để tận dụng những ưu đãi thuế suất. Có thể nói năm 2019 sẽ là thời gian công ty tập trung nâng cao chất lượng và tối đa hóa biên lợi nhuận dựa trên công suất nhà máy hiện hữu. Ngoài ra, công ty cũng đang chuẩn bị kế hoạch cho dự án đầu tư một nhà máy mới với công suất dự kiến gấp 2-3 lần công suất hiện tại và có thể tự cung ứng hạt nhựa cho nhà máy hiện tại.
Về sản phẩm, công ty vẫn hướng mũi nhọn vào sản phẩm sợi tái chế từ đó giúp cải thiện biên lợi nhuận. Tỷ lệ sợi tái chế trên doanh thu năm 2018 của công ty đạt trên 14% và đặt mục tiêu nâng tỷ trọng lên 20% cho năm 2019 và 30% cho năm 2020 nhằm đáp ứng xu hướng tiêu dùng xanh (green fashion) và sản xuất bền vững của các nhãn hàng thời trang lớn như Nike, Adidas, H&M, Puma.
Với CTCP May Sông Hồng (HoSE: MSH), ông Bùi Việt Quang – Tổng giám đốc chia sẻ qua cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, May Sông Hồng nhận được nhiều đơn hàng mới từ cuộc dịch chuyển khỏi thị trường Trung Quốc và đơn vị sẽ cân nhắc lựa chọn đối tác tốt. Thị trường xuất khẩu lớn của May Sông Hồng vẫn là Mỹ (chiếm 70% tỷ trọng hàng FOB – pv), trong khi các thị trường như EU hoặc trong CPTPP (Nhật Bản, Canada) không quá lớn. Trong năm 2019, May Sông Hồng cũng sẽ mở rộng thêm quy mô, tăng nhân công, cải tạo nhà xưởng cũ để gia tăng công suất.
Ông Bùi Việt Quang – Báo Công Thương
Theo bản cáo bạch niêm yết, định hướng cho năm 2019 và các năm tiếp theo, công ty xác định may mặc vẫn chiếm vai trò chủ đạo, đồng thời cũng đẩy mạnh mảng phụ trợ như giặt, in, thêu – chần; thị trường xuất khẩu vẫn là chính với sự dịch chuyển doanh thu từ CMT (gia công gồm cắt, may, hoàn thiện) sang hàng FOB (chủ động từ nguyên liệu đến thành phẩm), tìm cách cân bằng giữa các thị trường để tránh phụ thuộc vào thị trường Mỹ; tăng năng lực sản xuất của khu vực hàng nội địa để phục vụ thị trường trong nước với hơn 90 triệu dân.
Về kế hoạch kinh doanh, May Sông Hồng dự kiến doanh thu thuần tăng trưởng 5% so với mức kế hoạch năm 2018 đạt 3.669 tỷ đồng và lãi sau thuế 324 tỷ, tăng 41%. Nền tảng cho kế hoạch này là dịch chuyển đơn hàng từ CMT sang FOB, công ty dự kiến tỷ lệ doanh thu hàng FOB tính đến hết năm 2018 đạt mức 72% và sẽ đạt mức 75% vào năm 2019.
Nhiều doanh nghiệp dệt may cũng bắt đầu đề ra kế hoạch kinh doanh năm 2019. CTCP Đầu tư và Phát triển TDT (HNX: TDT) lên kế hoạch sản xuất 2019 gồm doanh thu tiêu thụ 356,5 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 27,9 tỷ đồng; lần lượt tăng 19,3% và 42% so với kế hoạch 2018. CTCP Giày da và May mặc Xuất khẩu (Legamex) đề ra kế hoạch kinh doanh cho năm tới gồm doanh thu thuần đạt 135,6 tỷ đồng, lãi trước thuế 12,3 tỷ đồng; lần lượt tăng trưởng 33% và 17% so với ước thực hiện năm 2018.