Doanh nghiệp cần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, khuyến khích sự sáng tạo của người lao động |
Tăng trưởng nhanh, thách thức lớn
Các chuyên gia kinh tế nhận định, dệt may đang trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn có nhiều chính sách ưu tiên từ Chính phủ và hứa hẹn sẽ đạt tốc độ tăng trưởng nhanh, đóng góp nhiều hơn cho ngân sách nhà nước nhờ tham gia các FTA và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).
Bên cạnh những cơ hội, ngành Dệt may Việt Nam cũng đang đối mặt với không ít thách thức, đặc biệt là tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao. Hiện tại, nhu cầu tuyển dụng nhân lực của các doanh nghiệp (DN) dệt may có xu hướng yêu cầu cao hơn về trình độ nghề, giảm số lao động chưa qua đào tạo. Ngoài các kỹ năng chuyên ngành, DN cũng luôn đòi hỏi kinh nghiệm, kỹ năng giao tiếp, tìm kiếm đối tác, khả năng ngoại ngữ, đặc biệt đối với các vị trí quản lý như trưởng phòng kế hoạch, quản lý đơn hàng…
Tuy nhiên, việc đào tạo nhân lực cho ngành dệt may hiện chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. TP. Hồ Chí Minh được coi là trung tâm đào tạo lao động ngành dệt may cũng chỉ có 11 trường đào tạo khoảng 1.900 lao động mỗi năm. Hầu hết các sinh viên ra trường được tuyển dụng phải mất 3 năm đào tạo lại mới sử dụng được. Đặc biệt, nhân lực thiết kế thời trang được đào tạo tại Việt Nam chỉ có khả năng kinh doanh ở quy mô nhỏ mà chưa thể thiết kế và triển khai sản xuất để thương mại hóa với quy mô toàn ngành. Khả năng đáp ứng nhu cầu tăng thêm của đội ngũ kỹ sư, kỹ thuật viên phục vụ cũng rất khó khăn…
Doanh nghiệp nỗ lực vào cuộc
Năm 2014, Bộ Công thương ban hành Quyết định số 3218/QĐ-BCT phê duyệt quy hoạch phát triển ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, dệt may sẽ trở thành một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn, hướng về xuất khẩu, tạo nhiều việc làm cho xã hội… Để tận dụng tối đa lợi thế mà các FTA mang lại, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, sự nỗ lực đầu tư, cải tiến công nghệ, mẫu mã, chất lượng sản phẩm, DN ngành Dệt may cần chú trọng phát triển và quản trị nguồn nhân lực. Cụ thể, tăng cường liên kết giữa các DN và trường dạy nghề trong công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Tiếp tục củng cố hệ thống đào tạo chuyên ngành dệt may, thành lập trường đại học chuyên ngành về công nghệ dệt may và thời trang. Tiếp tục cải tiến, xây dựng kế hoạch đào tạo lao động ngành dệt may sát với thực tiễn. Nội dung bao gồm, đào tạo về kỹ thuật, công nghệ và các kỹ năng mềm trong lĩnh vực quản trị, phát triển sản phẩm, thiết kế và nghiên cứu thị trường, đào tạo nghề. Mặt khác, trong quá trình đào tạo, người học cần được đào tạo căn bản về chuyên môn, kỹ năng sống, phong cách làm việc chuyên nghiệp. Các DN cũng cần “cởi mở” hơn trong việc sử dụng nguồn nhân lực, không chỉ dừng lại ở việc đưa ra yêu cầu mà phải cùng với các trường tham gia đào tạo, chấp nhận đầu tư, chủ động đào tạo nhân lực cho chính mình, tránh phụ thuộc vào nhân lực có sẵn do các trường đào tạo… Ngoài ra, một thực tế hiện nay cho thấy đa phần đội ngũ nhân viên nhân sự trong các DN dệt may đều từ các ngành nghề khác chuyển sang, tuy có kinh nghiệm trong quản lý nhưng lại thiếu kiến thức chuyên ngành, từ đó làm giảm hiệu quả của quản trị nguồn nhân lực trong DN. Do vậy, việc lên kế hoạch đào tạo lại cho đội ngũ quan trọng này cũng cần được quan tâm nhiều hơn.
Đặc biệt, để phát triển và quản trị nguồn nhân lực hiệu quả, các DN cần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong DN. Tại đây, quyền và lợi ích đối với đội ngũ nhân lực được bảo đảm dựa trên cơ sở xây dựng được quan hệ lao động tốt đẹp sẽ tạo sự ổn định và phát triển lâu dài cho DN, qua đó, hạn chế tình trạng bỏ việc, kích thích sự sáng tạo và cống hiến của người lao động. |