Sợi Thế Kỷ (STK) tiếp cận thành công 52,5 triệu USD khoản vay hợp vốn
(ĐTCK) CTCP Sợi Thế Kỷ (mã STK – sàn HOSE) (Bên bảo lãnh) công bố thông tin về Công ty TNHH Sợi, Dệt, Nhuộm Unitex – công ty con (Bên vay) đã ký kết thành công khoản vay hợp vốn với tổng giá trị 52,5 triệu USD, tương đương gần 1.233 tỷ đồng.
Đây là khoản vay lớn nhất từ trước đến nay của Công ty. Khoản vay hợp vốn này được hợp tác và tài trợ từ 5 ngân hàng nước ngoài tại châu Á dẫn đầu là CTBC Bank và Kasikorn Bank là đầu mối thu xếp cấp tín dụng và bảo lãnh chính; Shanghai Commercial and Savings Bank (Offshore Banking Branch) và Entie Commercial Bank là các thành viên thu xếp cấp tín dụng và E.SUN Commercial Bank là thành viên thu xếp cấp tín dụng.
CTBC Bank cũng đóng vai trò là điều phối viên và đại lý đầu mối của hợp đồng hợp vốn này.
Khoản vay tài chính này sẽ giúp cho Sợi Thế Kỷ có đủ nguồn vốn để mở rộng công suất sản xuất với dự án đầu tư nhà máy mới Unitex – giai đoạn 1.
Nhà máy Unitex có công suất quy mô 60 ngàn tấn sợi/năm (giai đoạn 1: 34.000 tấn/năm; giai đoạn 2: 24.000 tấn/năm), trong đó chủ yếu phục vụ cho việc mua máy móc, thiết bị và hệ thống chính của nhà máy.
Hiện tại, dự án đã triển khai công tác xây dựng và dự kiến hoàn thành lắp đặt máy móc đưa vào hoạt động chính thức giai đoạn 1 trong quý I/2024.
Khoản vay trên được tài trợ bằng USD và có thời hạn vay là 57 tháng, sẽ được giải ngân trong năm 2023 và 2024.
Chia sẻ thêm, ông Đặng Triệu Hoà – Tổng giám đốc Sợi Thế Kỷ cho biết, dự án mở rộng công suất của nhà máy Unitex được đầu tư với công nghệ tiến tiến nhất và nâng tổng công suất Công ty lên gấp đôi các nhà máy hiện hữu (nhà máy Củ Chi và Trảng Bàng). Dự án tập trung sản xuất và cung cấp các sản phẩm chất lượng cao, sợi Recycle có các tính năng đặc biệt và các loại sợi có giá trị gia tăng khác cho các khách hàng thương hiệu.
Nhà máy được xây dựng, trang bị và lắp đặt các hệ thống tự động hoá cao như việc sử dụng robot trong các quy trình sản xuất và đóng gói, giúp Công ty nâng cao và ổn định chất lượng sản phẩm đến khách hàng, tiết giảm tiêu hao tài nguyên và tối ưu hoá hiệu quả sản xuất.
Bên cạnh đó, với việc xây dựng nhà máy mới, Công ty sẽ góp phần tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn cho người lao động địa phương (dự kiến số lao động là 400 người).
Ngoài ra, với việc tăng tỷ lệ sản xuất các loại sợi đặc biệt thân thiện với môi trường như sợi Recycle, Recycle+ và sợi màu Dope Dye sẽ giúp Công ty nâng cao tỷ trọng sử dụng nguồn nguyên vật liệu tái chế bảo vệ môi trường (hạt nhựa PET chip tái chế từ chai nhựa đã qua sử dụng).
Thông qua đó, cắt giảm phát thải carbon footprint khoảng 50% so với sợi truyền thống, tiết kiệm nguồn nước sạch, không xả nước thải và hoá chất ra môi trường, hướng tới xây dựng một nhà máy xanh hơn và phù hợp với chiến lược phát triển bền vững của ngành dệt may Việt Nam nói riêng và theo 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc nói chung.