Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam khẳng định, CPTPP có hiệu lực sẽ có cơ hội ở nhiều thị trường mới. Diễn biến gần nhất trong quý III và quý IV/2018 cho thấy nhiều nhà nhập khẩu Úc, Canada, New Zealand đã đến với Việt Nam. Hay với thị trường Nhật Bản dù chúng ta đã thuận lợi khi ký VJFTA nhưng chúng ta đang có giải pháp nhằm chiếm lĩnh thị trường này khi CPTPP có hiệu lực.
Từ cơ hội này, theo Hội dệt May thêu đan TP. Hồ Chí Minh, các DN của thành phố đã có sự chuẩn bị và phấn khởi thực hiện kế hoạch sản xuất xuất khẩu ngay từ đầu năm 2019… Cụ thể, Tổng công ty 28 đã đàm phán và ký xong đơn hàng cho 6 tháng đầu năm 2019 thậm chí cả năm 2019. Hay Tổng công ty CP Phong Phú đã có sự chuẩn bị kỹ cho việc mở rộng thị phần tại thị trường Nhật Bản còn Công ty CP Sợi Thế Kỷ cũng đang tiếp tục với kế hoạch đẩy mạnh các mặt hàng sợi sang thị trường này…
Cùng với dệt may, các DN ngành thủy sản như Vĩnh Hoàn, Minh Phú, Hùng Vương… đều đã chuẩn bị từ rất lâu cho việc chinh phục các thị trường trong khối CPTPP. Ông Trương Đình Hòe – Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) – cho biết, xác định khi thuế xuất giảm sẽ giúp sản phẩm thủy sản tăng cơ hội nhưng cũng đồng nghĩa với việc phải cạnh tranh gay gắt hơn với các nước xuất khẩu khác, do đó VASEP đang khuyến cáo các DN phải đáp ứng nghiêm ngặt các tiêu chuẩn từ an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao chất lượng hàng hóa cho tới việc đánh bắt hải sản hợp pháp.
Ông Chu Tiến Dũng – Chủ tịch Hiệp hội DN TP. Hồ Chí Minh – cho hay, cộng đồng DN tham gia CPTPP đồng nghĩa với việc cạnh tranh sẽ diễn ra quyết liệt không chỉ ở thị trường các nước tham gia hiệp định mà ngay tại thị trường trong nước trên cả ba cấp độ sản phẩm, DN và quốc gia. Điều này đang tạo ra sức ép trong bối cảnh năng lực cạnh tranh quốc gia và của DN còn nhiều hạn chế, đó là trình độ phát triển của nước ta được xem là thấp nhất trong khối CPTPP…
Theo ông Phạm Bình An, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ hội nhập quốc tế – TP. Hồ Chí Minh, để tận dụng các cơ hội DN rất cần nắm bắt được các thông tin cụ thể từ hiệp định. Cụ thể, DN muốn được hưởng các ưu đãi về thuế khi xuất khẩu vào 10 nước tham gia CPTPP thì ngay từ bây giờ phải nhanh chóng chuẩn bị những điều kiện để có thể đáp ứng các yêu cầu về xuất xứ hàng hóa. Cụ thể như hàng dệt may phải đảm bảo tỷ lệ nội địa hóa từ khâu sợi, còn nếu nhập khẩu nguyên liệu thì phải từ các nước trong khối…
Còn ông Võ Tân Thành – Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – nêu ý kiến, cộng đồng DN cần phải chủ động thay đổi tư duy quản lý và kinh doanh, xây dựng chiến lược bài bản. Đẩy mạnh việc nâng cấp các yêu cầu bảo vệ sở hữu trí tuệ, cũng như năng lực thể chế để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam trong quá trình tham gia CPTPP. Việc cải cách môi trường kinh doanh tại Việt Nam càng phải nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa để tạo sức bật cho phát triển.
Có thể thấy trong suốt 10 năm qua, Chính phủ, cộng đồng DN đã chuẩn bị cho việc tham gia vào hiệp định thương mại quan trọng này. Sự chuẩn bị về mặt thể chế, cải thiện môi trường đầu tư để khai thác tốt nhất lợi thế so sánh cũng đã và đang được thực hiện tích cực.
Một số thị trường lớn của Việt Nam trong CPTPP sẽ xóa bỏ thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực là Canada gần 95% các dòng thuế, Nhật Bản 86%, Úc 93%, Chile 95,1%.
https://baomoi.com/doanh-nghiep-phia-nam-nam-bat-co-hoi-tu-cptpp/c/29276774.epi